NGHIÊN CỨU HỆ THỐNG TÁI SINH IN VITRO CÂY HỒ TIÊU (PIPER NIGRUM L.)

  • Trương Thị Bích Phượng
  • Nguyễn Đức Tuấn
  • Hồ Thị Cẩm Giang

Abstract

Hồ tiêu (Piper nigrum L.) là loại cây trồng lâu năm, thân hóa gỗ. hạt hồ tiêu có giá trị để làm gia vị rất phổ biến trên thế giới. Hồ tiêu được nhân giống bằng phương pháp giâm hom, Phương pháp này có hạn chế là tốn nhiều thời gian, cây con khó đồng nhất về hình thái và di truyền. Nhân giống vô tính thông qua phương pháp nuôi cấy mô được xem là phương pháp thay thế tốt hơn cho phương pháp nhân giống truyền thống để tạo ra lượng cây con lớn và đồng nhất về mặt di truyền, làm tiền đề để tạo giống sạch bệnh virus trên hồ tiêu. Trong bài báo này, chúng tôi trình bày kết quả nghiên cứu hệ thống tái sinh in vitro cây hồ tiêu. Môi trường MS (Murashige, Skoog 1962) bổ sung 1 mg/l BAP cho khả năng tái sinh chồi tốt nhất đạt 2,33 chồi/đoạn thân tự nhiên sau 8 tuần nuôi cấy. Môi trường MS bổ sung BAP (4-5 mg/l) kết hợp IBA (0,5-1 mg/l) và KIN 0,5 mg/l cho hiệu quả tái sinh chồi từ callus. Khả năng tái sinh chồi của callus có nguồn gốc từ hạt là lớn nhất. Trên môi trường MS bổ sung BAP 4 mg/l kết hơp IBA 0,5 mg/l và KIN 0,5 mg/l, callus từ hạt cảm ứng tạo chồi tốt nhất đạt 6,67 chồi/mẫu. Các chồi hồ tiêu in vitro tái sinh từ callus của các dòng hồ tiêu được kiểm tra bằng kỹ thuật PCR. Kết quả kiểm tra sự có mặt của virus PYMoV cho thấy chồi in vitro tạo thành từ tất cả các mẫu vật đều có sự xuất hiện của virus PYMoV, ngoại trừ chồi in vitro tái sinh từ callus có nguồn gốc từ hạt.

điểm /   đánh giá
Published
2014-07-13