NGHIÊN CỨU TÌNH TRẠNG, MẬT ĐỘ VÀ PHÂN BỐ THÚ ĂN THỊT Ở KHU VỰC MỞ RỘNG CỦA VƯỜN QUỐC GIA BẠCH MÃ

  • Nguyễn Văn Lợi

Abstract

Khu vực mở rộng của Vườn quốc gia Bạch Mã (VQG) ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam khá đa dạng về thành phần loài động vật và có giá trị bảo tồn. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm mục đích bổ sung thêm các thông tin về tình trạng, mật độ, nơi cư trú của các loài thú ăn thịt ở VQG Bạch Mã. Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp điều tra theo tuyến, bẫy ảnh kết hợp với tham vấn các bên có liên quan. Qua nghiên cứu đã xác định được 26 loài thú ăn thịt thuộc 6 họ, chiếm 66,67 % tổng số loài thú ăn thịt ở Việt Nam. Nghiên cứu đã bổ sung 3 loài thú ăn thịt cho hệ thú ở VQG Bạch Mã. Trong 6 họ thú ăn thịt được xác định tại khu vực nghiên cứu thì họ chiếm ưu thế là họ Cầy (Viverridae), họ Mèo (Felidae) và họ Chồn (Mustelidae). Bên cạnh tính đa dạng về thành phần loài thì khu vực mở rộng còn có giá trị bảo tồn cao với 20 loài bị đe dọa, trong đó có 13 loài nằm trong danh lục Sách Đỏ Việt Nam (2007), 14 loài trong Danh lục Đỏ Thế giới (IUCN, 2011), 18 loài theo Nghị định 32-CP/2006 và 11 loài trong phụ lục Công ước CITES (2010) . Nghiên cứu cũng cho thấy 3 loài thú ăn thịt có mật độ cao, 4 loài rất hiếm khi gặp và 3 loài loài có nguy cơ tuyệt chủng. Các mối đe dọa quan trọng nhất hiện nay đối với các loài thú ăn thịt là săn bắt và đặt bẫy trái phép và mất sinh cảnh rừng.

điểm /   đánh giá
Published
2015-06-14
Section
Chuyên san Khoa học Trái đất và Môi trường