KẾT QUẢ KHẢO SÁT VỀ BƯỚM (LEPIDOPTERA, RHOPALOCERA) Ở KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN NA HANG VÀ HANG KIA-PÀ CÒ

  • Vũ Văn Liên

Abstract

Khảo sát bướm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Na Hang và Hang Kia-Pà Cò được thực hiện vào tháng 6 năm 2013 ở các sinh cảnh khác nhau, từ rừng tự nhiên, rừng thứ sinh, cây bụi, bãi cỏ đến đất canh tác nông-lâm nghiệp. Khu Bảo tồn Thiên nhiên Na Hang, khảo sát được tiến hành ở độ cao 200-500m. Khu bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò, khảo sát chính ở độ cao 700-1200m. Thành phần loài bướm ở Na Hang và Hang Kia-Pà Cò được so sánh với thành phần loài bướm ở các khu vực miền bắc Việt Nam (khảo sát trong tháng 6) là Ba Vì, Xuân Sơn và Phia Oắc. Kết quả xác định 137 loài bướm; trong đó, Na Hang ghi nhận 118 loài, Hang Kia-Pà Cò ghi nhận 74 loài. Ba loài có trong Sách đỏ Việt Nam là Troides aeacus, T. helena, Byasa crassipes. Hai loài Troides còn có Danh lục của CITES. Thành phần loài và sự phong phú của các loài bướm ở Na Hang cao hơn so với ở Hang Kia-Pà Cò (27,97% loài phổ biến ở Na Hang so với 5,40% loài phổ biến ở Hang Kia-Pà Cò). Phần lớn các loài bướm ở Hang Kia-Pà Cò hiếm gặp (44,6% tổng số loài). Mức độ tương đồng về thành phần loài bướm ở hai khu vực là 51%. Thành phần loài bướm ở Hang Kia-Pà Cò khá giống với thành phần loài bướm ở Ba Vì (56,1%). Thành phần loài bướm ở Na Hang khá giống với ở Xuân Sơn (52,3%). Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia-Pà Cò tuy có thành phần và mức độ phong phú của các loài thấp hơn so với ở Na Hang, KBTTN Hang Kia-Pà Cò có nhiều loài có giá trị bảo tồn điển hình là Troides aeacus, Byasa crassipes.

điểm /   đánh giá
Published
2015-06-14
Section
Chuyên san Khoa học Trái đất và Môi trường