Một số yếu tố liên quan đến bị bắt nạt của học sinh trường Trung học Cơ sở Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc

  • Dương Thị Thanh
  • Lê Thị Hải Hà
  • Trần Thị Mai Oanh
  • Nguyễn Thanh Hương

Tóm tắt

Mục tiêu: Mô tả thực trạng bị bắt nạt và phân tích một số yếu tố liên quan tới vai trò chỉ bị bắt nạt của học sinh trường Trung học Cơ sở Tiền Châu, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Phương pháp nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu cắt ngang phân tích, nghiên cứu đã thu thập thông tin của 429 học sinh (lớp 6 - 9) vào tháng 04/2017 qua phát phiếu tự điền.

Kết quả: Tỷ lệ học sinh bị bắt nạt nói chung là 59,4%. Trong đó, tỷ lệ chỉ bị bắt nạt là 30,8%. Phân tích hồi quy đa biến logistic cho kết quả những yếu tố liên quan đến vai trò chỉ bị bắt nạt bao gồm yếu tố thuộc cá nhân như lớp: càng lên lớp cao hơn, nguy cơ bị bắt nạt càng giảm OR: 0,7 (0,53 – 0,93), rối nhiễu tâm lý ở mức độ trung bình OR: 3,07 (1,48 – 6,35), có ý định/sắp đặt/thực hiện tự tử OR: 9,13 (4,68 – 17,82), áp lực học tập OR: 2,17 (1,2 – 3,29) càng cao càng làm tăng nguy cơ bị bắt nạt; nhận được hỗ trợ từ gia đình thấp làm gia tăng nguy cơ bị bắt nạt OR: 2,55 (1,23 – 3,29).

Kết luận và khuyến nghị: Nhà trường và gia đình cần quan tâm hơn nữa tới vấn đề áp lực học tập và vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh vì bắt nạt có mối liên quan chặt chẽ với các yếu tố này. Các nhà nghiên cứu cần tiếp tục cân nhắc tìm hiểu mối liên quan giữa áp lực học tập và bắt nạt trong các nghiên cứu tiếp theo. Ngoài ra, gia đình cần giúp đỡ, hỗ trợ tinh thần, tâm sự và chia sẻ cũng như giúp đỡ con em mình nhiều hơn nữa trong việc ra quyết định nhằm ngăn chặn bắt nạt.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-09-02
Chuyên mục
Bài viết