Tác động của can thiệp truyền thông đến dự định khám sàng lọc ung thư cổ tử cung của phụ nữ 15-49 tuổi có chồng tại Chí Linh, Hải Dương

  • Nguyễn Thị Hải Lê
  • Trần Thị Vân
  • Nguyễn Văn Huy
  • Nguyễn Thanh Hương

Tóm tắt

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ 15-49 tuổi. Sàng lọc UTCCT được xác định là giải pháp quan trọng giúp giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm do UTCTC gây ra. Một can thiệp truyền thông hướng tới thúc đẩy hành vi khám sàng lọc UTCTC của phụ nữ đã được tiến hành tại Chí Linh, Hải Dương từ 4/2015 đến 4/2016. 

Mục tiêu: Đánh giá tác động của can thiệp truyền thông đến dự định khám sàng lọc ung thư cổ tử cung của phụ nữ 15-49 tuổi có chồng tại Chí Linh, Hải Dương

Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện vào tháng 7/2016 thông qua phỏng vấn 320 phụ nữ 15-49 tuổi có chồng nhằm đo lường tác động của các loại hình truyền thông đã được triển khai đến dự định khám sàng lọc UTCTC của đối tượng trên địa bàn can thiệp, sử dụng các kỹ thuật thống kê mô tả và phân tích điểm xu hướng (Propensity score matching – PSM).

Kết quả: Cho thấy ở thời điểm sau can thiệp, 90,6% phụ nữ tham gia nghiên cứu có dự định khám sàng lọc UTCTC. Phân tích PSM khẳng định việc tiếp cận với can thiệp truyền thông đã có tác động thực sự tới dự định khám sàng lọc UTCTC ở phụ nữ tại Chí Linh, cụ thể làm tăng thêm 7,9% (tương ứng với 158 người) có dự định khám sàng lọc UTCTC (p<0,05).

Kết luận: Can thiệp truyền thông đã có tác động thực sự tới dự định khám sàng lọc UTCTC ở phụ nữ tại Chí Linh. Đây là bằng chứng và cơ sở trong việc tăng cường, xây dựng các chương trình truyền thông can thiệp phòng UTCTC về sau tại Việt Nam.

Từ khóa: Dự định; khám sàng lọc UTCCT; truyền thông; tác động

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-09-06
Chuyên mục
Bài viết