Một số đặc điểm dịch tễ và định type virus gây bệnh lở mồm long móng ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn 2011-2015

  • Đàm Thị Phương Mai
  • Đặng Xuân Bình

Tóm tắt

Từ 2011 đến 2015 tại Lạng Sơn, dịch lở mồm long móng (LMLM) ở trâu bò đã xảy ra liên tục trên địa bàn của 11 huyện, thị của tỉnh. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh LMLM bình quân là 1,26%/năm, trong đó trâu mắc 1,39%/năm, bò mắc 0,75%/năm. Năm 2011 trâu, bò mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất (5,3%).Nguồn bệnh LMLM chủ yếu là từ trâu, bò mắc bệnh sau khi được điều trị đã khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn mang trùng và bài thải mầm bệnh ra ngoài môi trường. Tỷ lệ nhiễm virus LMLM trong tự nhiên ở trâu, bò toàn tỉnh bình quân 33,23%, trong đó cao nhất ở huyện Bắc Sơn (66,66%), Văn Quan (50%), Tràng Định (32,88%) và Bình Gia (28,57%).Virus LMLM gây bệnh tại Lạng Sơn có 2 type: O và A, chưa thấy xuất hiện type Asia1 như một số địa phương khác ở Việt Nam. Do vậy, vacxin phù hợp sử dụng để tiêm phòng cho trâu bò là Aftovax Bivalent (nhị giá) 2 type O, A.Trâu, bò sau khi tiêm vacxin LMLM đã có đáp ứng miễn dịch 100%. Tại thời điểm 30 ngày sau tiêm phòng, tỷ lệ bảo hộ đạt từ 86,6% đến 100%. 6 tháng sau tiêm phòng vacxin mũi thứ 1, cần tiêm nhắc lại lần thứ 2 để đảm bảo việc phòng chống dịch LMLM ở trâu, bò.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-08-08
Chuyên mục
Nghiên cứu khoa học