Nghiên cứu xử lý nước thải sinh hoạt của xí nghiệp xử lý nước thải Thủ Dầu Một bằng vi khuẩn Bacillus subtilis

  • Phạm Kim Liên
  • Nguyễn Bằng Phi

Tóm tắt

Bacillus subtilis là trực khuẩn hình que, có khả năng tạo bào tử, có khả năng chịu đựng các điều kiện môi trường khắc nghiệt. Vi khuẩn Bacillus subtilis với khả năng sinh tổng hợp enzyme ngoại bào phân giải các hợp chất protein không tan thành các đơn phân tử (các monomer và oligomer) dễ tan hơn và dễ hấp thụ. Vi khuẩn Bacillus subtilis có thể sử dụng được đa dạng nguồn cơ chất để tăng sinh khối và phát triển. Do vậy, Bacillus subtilis đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống nói chung và trong vấn đề xử lý nước thải không triệt để đang ảnh hưởng đến môi trường và con người nói riêng ở Việt Nam. Do đó, nhằm nghiên cứu khả năng xử lý nước thải sinh hoạt của loài Bacillus subtili, chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm xử lý nước thải bằng vi khuẩn Bacillus subtilis ở điều kiện sục khí liên tục, với các nồng độ pha loãng khác nhau (100% nước thải sinh hoạt, 75% nước thải sinh hoạt và 25% nước cất, 50% nước thải sinh hoạt và 50% nước cất). Các mẫu nước thải trước khi xử lý bằng B.subtilis đã được khử trùng bằng tia UV và bổ sung B.subtilis với các mật độ vi khuẩn khác nhau (106 cfu/ml, 107 cfu/ml và 108 cfu/ml). Các mẫu nước thải sau khi xử lý sẽ được đo các chỉ tiêu (pH, BOD5, COD, NH4+) ở các điểm thời gian 0, 3, 6 , 9, 12 ngày. Kết quả sau 12 ngày vi khuẩn Bacillus subtilis có khả năng xử lý tốt nước thải sinh hoạt với mật số vi khuẩn là 107 (cfu/ml) với độ pha loãng là 50% nước thải sinh hoạt và 50% nước cất. Các chỉ tiêu pH, COD, BOD5 đạt chuẩn đầu ra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN:2008/BTNMT cột A. Chỉ tiêu NH4+ đạt chuẩn đầu ra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt QCVN:2008/BTNMT cột B.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2018-03-21
Chuyên mục
Bài viết