HỘI THẢO VỀ NÂNG CAO QUYỀN NĂNG CHO PHỤ NỮ, THÚC ĐẨY BÌNH ĐẲNG GIỚI

  • Phạm Thị Xuân Linh

Tóm tắt

Trong quý 2 năm 2018, Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hai hội thảo khoa học nhằm nâng cao kiến thức giới cho giảng viên, sinh viên, tạo cơ hội thực tập và định hướng tìm kiếm việc làm cho sinh viên.

 

Hội thảo thứ nhất: “nâng cao quyền năng cho Phụ nữ, thúc đẩy Bình đẳng giới và Phát triển bền vững”* được tổ chức ngày 20 tháng 4 năm 2018. Mục đích của Hội thảo nhằm cung cấp cho giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên các kiến thức về nâng cao quyền năng cho phụ nữ, hướng tới phát triển bền vững; về trọng tâm ưu tiên “nâng cao quyền năng cho phụ nữ nông thôn” của Liên Hợp Quốc năm 2018; tạo điều kiện để giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên chia sẻ, học hỏi từ các chuyên gia; kết nối quan điểm xưa và nay về quyền năng phụ nữ.

 

Hội thảo có bốn bài tham luận của các diễn giả đến từ Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), Tổ chức Nes Education, Chuyên gia tư vấn giới và của sinh viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam.

 

Các bài tham luận tập trung vào chủ đề nâng cao quyền năng cho phụ nữ như: “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ nông thôn, vì sự phát triển bền vững”; “Một số khuyến nghị của Ủy ban Cedaw với Việt Nam trong báo cáo CEDAW 7&8 và vấn đề nâng cao quyền năng phụ nữ”; “Chuẩn mực đạo đức phụ nữ - xưa và nay và tác động tới quyền năng phụ nữ”.

 

Theo các diễn giả, phụ nữ Việt Nam thời phong kiến chịu nhiều sự trói buộc bởi thuyết “tam tòng, tứ đức” và các chuẩn mực đạo đức khác. Ngày nay mặc dù quan niệm xã hội có thay đổi, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều định kiến giới, khuôn mẫu giới, ảnh hưởng tới quyền năng của phụ nữ và trẻ em gái, cản trở sự phát triển đầy đủ của họ. Phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nông thôn, có ít đặc quyền hơn so với nam giới. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là sự bất bình đẳng trong tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực sản xuất và các nguồn lợi ích trong nông nghiệp. Việc người phụ nữ bị phân biệt đối xử, ví dụ như bị bạo hành hay các vấn đề liên quan sở hữu tài sản đã hạn chế rất nhiều tới quyền của họ trong việc ra quyết định hay tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì thế, việc cả xã hội chung tay hành động vì bình đẳng giới là cần thiết, giúp nâng cao quyền năng cho phụ nữ, giúp nam giới và nữ giới cùng phát triển.

 

Hội thảo thứ hai được tổ chức vào ngày 1/6/2018 với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua cơ hội giáo dục việc làm”. Mục đích của hội thảo này nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên đến thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững thông qua việc tạo cơ hội giáo dục và việc làm; kết nối sinh viên Khoa Giới và Phát triển được tiếp xúc với các cơ hội thực tập, giáo dục và việc làm tại các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.

 

Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) tại Việt Nam, Tổ chức Nes Education, Oxfam, giảng viên và sinh viên Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã trình bày sáu bài tham luận liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới như: “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ: Gạn đục khơi trong từ truyền thống”; “Nhận diện trần kính (Glass ceiling) đối với nữ thanh niên - rào cản cơ hội giáo dục và việc làm”; “Hoạt động của Viện FES tại Việt Nam và cơ hội thực tập cho sinh viên”; “Phương pháp sư phạm có đáp ứng giới và khả năng ứng dụng trong Giáo dục đại học”; “Làm việc tại Tổ chức Phi chính phủ: Kinh nghiệm và định hướng”; “Cơ hội và thách thức trong tiếp cận cơ hội việc làm của sinh viên ngành Giới và Phát triển”.

 

Các bài tham luận nhấn mạnh nguyên nhân gây ra các rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận cơ hội giáo dục và việc làm, đồng thời đưa ra giải pháp nâng cao quyền năng cho họ, thúc đẩy bình đẳng giới. Ngoài ra, một số bài tham luận đã góp phần định hướng cho sinh viên ngành Giới và Phát triển trong việc tiếp cận cơ hội thực tập và tìm kiếm việc làm trong tương lai.

 

Với phương châm kết nối lý thuyết với thực tiễn, kết nối sinh viên với các cơ quan tổ chức, hàng năm Khoa Giới và Phát triển tích cực tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm. Đồng thời, gửi sinh viên tham gia nhiều Hội thảo và hoạt động về giới và phát triển. Hai hội thảo trên là hai trong ba hội thảo được Khoa Giới và Phát triển tổ chức tại Học viện Phụ nữ Việt Nam từ đầu năm đến nay, thu hút sự tham gia của hơn 250 sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên và đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức.

 

 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-10-24
Chuyên mục
THÔNG TIN KHOA HỌC