ỨNG DỤNG KĨ THUẬT TÍNH CHỈ SỐ BẤT BIẾN THEO ĐỘ SÂU TRONG XÂY DỰNG BẢN ĐỒ PHÂN BỐ CÁC THẢM CỎ BIỂN

  • Hà Nam Thắng
  • Tống Phước Hoàng Sơn

Abstract

Cỏ biển giữ nhiều vai trò quan trọng đối với các hệ sinh thái vùng đới bờ. Chúng cung cấp dinh dưỡng và môi trường sống cho nhiều loài động vật thủy sinh, ổn định nền đáy cũng như làm chậm quá trình phú dưỡng trong thủy vực. Hệ sinh thái cỏ biển ở đầm Lập An từng có diện tích lớn, là nguồn dinh dưỡng và nơi cư trú của nhiều loài cá, giáp xác, nhuyễn thể. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ nhiều hoạt động sinh kế của người dân địa phương, có hơn 88% diện tích cỏ biển đã biến mất. Mục tiêu của nghiên cứu này là sử dụng kĩ thuật tính chỉ số bất biến theo độ sâu (Depth Invariant Index) để hiệu chỉnh cột nước, từ đó xây dựng bản đồ phân bố thảm cỏ biển ở đầm Lập An – Thừa Thiên Huế. Kết quả phân loại năm 2010 ước tính diện tích cỏ biển xấp xỉ 67,3 ha. Cỏ biển ở đầm Lập An phân bố chủ yếu ở phía Đông, Tây Nam với các loài cỏ Xoan (Halodule pinifolia), cỏ lá kim (Halophyla ovalis) và phía Nam cửa đầm với loài ưu thế của cỏ Vích (Thalassia hemprichii). Phương pháp DII có độ chính xác khá cao, đạt 81,78% với hệ số Kappa là 0,71, tạo kết quả khả quan bước đầu trong áp dụng viễn thám vào quản lý nguồn tài nguyên thủy sản ven bờ. Với độ tin cậy cao, có khả năng xử lý và tính toán cho nhiều loại thủy vực, kĩ thuật DII được hy vọng là một công cụ viễn thám hiệu quả, là tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo về biến động quần xã cỏ biển ở Việt Nam.

Từ khóa: ALOS AVNIR 2, cỏ biển, DII, Lập An.

điểm /   đánh giá
Published
2014-07-01