Chuỗi giá trị tôm sú quảng canh ở vùng Tây Nam Bộ

  • Phú Sơn Nguyễn
  • Văn Gia Nhỏ Lê
  • Thị Thu An Nguyễn
  • Thùy Trang Nguyễn
  • Bửu Minh Quân Lê
Từ khóa: chuỗi giá trị, giá trị gia tăng, lợi nhuận, tác nhân,tôm

Tóm tắt

Nghiên cứu đã được thực hiện dựa vào cách tiếp cận liên kết chuỗi giá trị (CGT) valuelinks của GTZ (Deutsche Gesellschaft für Technische Zusammenarbeit – Đức) năm 2008, thông qua các cuộc khảo sát tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị tôm sú tại 4 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Kiên Giang. Cụ thể đã khảo sát 67 đại lý và trang trại cung cấp con giống, thức ăn và thuốc thủy sản; 339 hộ nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh cải tiến (QCCT); 53 thương lái và chủ vựa; 8 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu (DNCBXK) và 54 chuyên gia trong ngành, cán bộ kỹ thuật và lãnh đạo các địa phương. Hai công cụ được sử dụng chính trong nghiên cứu này là lập sơ đồ CGT và phân tích kinh tế chuỗi. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 khâu và 5 kênh phân phối trong CGT tôm sú ở vùng Tây Nam Bộ (TNB). Trong đó, tôm sú phần lớn được tiêu thụ qua kênh phân phối: Hộ nuôi  Thương lái  DNCBXK  Người tiêu dùng nước ngoài (xuất khẩu). Có 3 sản phẩm tôm sú xuất khẩu chính, bao gồm: tôm sú xuất khẩu nguyên con đông lạnh (HOSO), tôm sú xuất khẩu bỏ đầu, đông lạnh (HLSO) và tôm sú xuất khẩu bỏ đầu, lột vỏ, còn đuôi (PTO). Trong đó, tôm PTO tạo được giá trị gia tăng và lợi nhuận cao nhất. Nhìn chung, phân phối lợi nhuận giữa các tác nhân tham gia trong CGT chưa thực sự hợp lý, theo hướng bất lợi cho các hộ nuôi. Kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, cải thiện kênh phân phối thông qua các hoạt động liên kết ngang và liên kết dọc, cũng như cắt giảm chi phí sản xuất tôm nguyên liệu là hai giải pháp hữu hiệu để nâng cấp CGT tôm sú ở vùng TNB.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-05-07
Chuyên mục
Bài viết