Phân tách và nuôi cấy tế bào ung thư biểu mô tuyến đại trực tràng thu nhận từ khối u của bệnh nhân

  • Huỳnh Vũ
  • Hồ Hữu Đức
  • Nguyễn Lê Xuân Trường
  • Nguyễn Đăng Quân
Từ khóa: Ung thư đại trực tràng, tế bào ung thư đại trực tràng sơ cấp, khối u dị ghép trên chuột, CD133, Epcam

Tóm tắt

Ung thư đại trực tràng là một trong những dạng ung thư phổ biến và gây tử vong hàng đầu hiện nay. Biện pháp điều trị ung thư đại trực tràng chủ yếu là phẫu thuật, tuy nhiên hơn 50% bệnh nhân tái phát và chết vì ung thư di căn. Do vậy, nghiên cứu về cơ chế phân tử của bệnh từ đó phát triển các liệu pháp điều trị hữu hiệu hơn là rất cần thiết, trong đó mô hình tế bào ung thư là đối tượng nghiên cứu không thể thiếu. Tuy nhiên, các dòng tế bào ung thư sau thời gian dài nuôi cấy có thể không còn giữ được các đặc tính như trong cơ thể người bệnh làm ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu. Để giải quyết vấn đề trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm thu nhận và nuôi cấy duy trì tế bào ung thư đại trực tràng sơ cấp từ bệnh nhân Việt Nam làm mô hình nghiên cứu bệnh. Các quần thể tế bào đơn được phân tách từ 40 mẫu mô ung thư đại trực tràng và được nuôi cấy sơ cấp. Có 4/40 mẫu quần thể tế bào ung thư được nuôi cấy thành công trong điều kiện in vitro. Các quần thể tế bào ung thư này đã được cấy ghép lên cơ thể chuột SCID suy giảm miễn dịch và đã có 2 quần thể tế bào phát triển thành khối u dị ghép. Tế bào đơn từ khối u dị ghép trên chuột được thu nhận và phân tích sự hiện diện của 2 marker bề mặt huCD133 và huEpcam bằng kỹ thuật flow cytometry. Quần thể tế bào ung thư sơ cấp của người từ khối u dị ghép trên chuột dương tính với marker huCD133 và huEpcam được xác định và thu nhận. Hai quần thể tế bào ung thư đại trực tràng này có thể phát triển tăng sinh mạnh trong điều kiện nuôi cấy in vitro. Tóm lại, kết quả nghiên cứu cho thấy tế bào ung thư đại trực tràng sơ cấp của người có thể được duy trì và tăng sinh trên cơ thể chuột suy giảm miễn dịch để cung cấp nguồn tế bào ung thư cho nghiên cứu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-08-12
Chuyên mục
BÀI NGHIÊN CỨU