Đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa, ức chế enzyme α-glucosidase và acetylcholinesterase của sáu loài thực vật thuộc họ Bông (Malvaceae)

  • Vũ Thị Bạch Phượng
  • Phạm Thị Ánh Hồng
  • Quách Ngô Diễm Phương
Từ khóa: Abutilon indicum L., Hibiscus sabdariffa L., Hibiscus rosa-sinensis L., Sida acuta Burm.f, Sida rhombifolia L var. parvifolia Gagn., Urena lobata L., hoạt tính ức chế acetylcholinesterase và α-glucosidase, kháng oxy hóa, DPPH (1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl)

Tóm tắt

Họ Bông (Malvaceae) là một họ thực vật lớn, phong phú về loài nên thành phần hóa học của họ này cũng khá đa dạng, trong đó có nhiều loài cây có giá trị về dược liệu. Trong nghiên cứu này, các bộ phận rễ, thân, lá của sáu loài cây dược liệu thuộc họ Bông gồm: Ké hoa đào (Urena lobata L.), Bụp giấm (Hibiscus Sabdariffa L.), Dâm bụt (Hibiscus rosa-sinensis L.), Cối xay (Abutilon indicum L.), Chổi đực (Sida acuta Burm.f), Ké hoa vàng (Sida rhombifolia L var. parvifolia Gagn.) được tiến hành khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa bằng phương pháp thử năng lực khử của Yen và Duh (1993) và bắt gốc tự do DPPH (1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl), hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase, hoạt tính ức chế enzyme acetylcholinesterase và định tính sự hiện diện của một số nhóm chức có trong các loài trên. Kết quả cho thấy, khi so sánh các bộ phận, rễ cây họ Bông là bộ phận có hoạt tính sinh học tiềm năng nhất. Tuy nhiên, riêng đối với hoạt tính ức chế enzyme acetylcholinesterase, lá cây Chổi đực là bộ phận có hoạt tính mạnh hơn các cây còn lại. Đối với hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase và kháng oxy hóa, rễ cây Ké hóa đào có hoạt tính mạnh hơn các cây được khảo sát, với giá trị IC50 của hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase là 4,79 μg/mL và IC50 của hoạt tính bắt gốc tự do DPPH là 446 μg/mL. Kết quả này đã góp phần chứng minh hoạt tính sinh học của các cây họ Bông nói chung và khả năng chữa trị bệnh tiểu đường tuýp 2 của cây Ké hoa đào nói riêng. Kết quả định tính nhóm chức cho thấy tất cả các bộ phận của sáu loài cây họ Bông đều chứa các nhóm hợp chất có hoạt tính sinh học như phenol, flavonoid và saponin steroid.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-09-03
Chuyên mục
BÀI NGHIÊN CỨU