Ứng dụng mô hình đất ngập nước nhân tạo trồng cỏ vetiver và cỏ sậy để xử lý nước rỉ rác

  • Nguyễn Ái Lê
  • Lê Thị Mộng Trinh
Từ khóa: đất ngập nước kiến tạo, nước rỉ rác, cỏ vetiver và cỏ sậy, chế phẩm sinh học Bayer Pond Plus

Tóm tắt

Ô nhiễm nước rỉ rác là một trong những mối đe dọa đối với nguồn nước nói riêng, môi trường và sức khỏe con người nói chung. Do đó, việc tìm ra công nghệ xử lý nước rỉ rác hiệu quả, an toàn, và thân thiện với môi trường là điều rất cần thiết. Trong bài báo này, hệ thống đất ngập nước kiến tạo kết hợp dòng chảy đứng và dòng chảy ngang, trồng cỏ vetiver và cỏ sậy được thiết lập ở quy mô phòng thí nghiệm để đánh giá khả năng xử lý nước rỉ rác từ trạm xử lý nước rỉ rác thuộc khu xử lý chất thải tập trung. Kết quả nghiên cứu cho thấy, khi cho nước rỉ rác sau khi được xử lý sinh học với nồng độ COD là 575 mg/L đi qua hệ thống thì hiệu quả xử lý BOD5 đạt 96,48%, COD đạt 83,24%, nitrogen tổng đạt 91,43%, phosphate tổng đạt 77,84%, nitrogen ammonium đạt 86,47%, độ màu đạt 87,91%. Chất lượng nước thải đầu ra đạt loại A theo tiêu chuẩn QCVN 40: 2011/BTNMT. Bên cạnh đó, khi cho nước rỉ rác đã xử lý hóa lý 1 (keo tụ tạo bông) với nồng độ COD là 1255,50 mg/L đi qua hệ thống thì hiệu suất loại bỏ các chỉ tiêu như BOD5 đạt 94,86%, phosphate tổng đạt 96,67%, nitrogen tổng đạt 95,81%, nitrogen ammonium đạt 93,48% và duy trì ổn định theo thời gian. Chất lượng nước đầu ra đạt loại B theo tiêu chuẩn QCVN 40: 2011/ BTNMT. Ngoài ra, sự kết hợp của chế phẩm sinh học Bayer Pond Plus vào hệ thống đã làm tăng và duy trì được hiệu suất xử lý COD và độ màu tương ứng là 66,61% và 81,4%. Những kết quả của nghiên cứu này bước đầu cho thấy hệ thống đất ngập nước có tiềm năng ứng dụng để xử lý hiệu quả nước rỉ rác.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2020-09-25
Chuyên mục
BÀI NGHIÊN CỨU