NGHIÊN CỨU DIỄN BIẾN HẠN CHO TỈNH HẢI DƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC THÁNG KHÔ HẠN TRONG BỐI CẢNH BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

DOI: 10.18173/2354-1059.2022-0015

  • Đào Ngọc Hùng
  • Hoàng Lưu Thu Thuỷ
  • Nguyễn Dương Thảo
  • Đoàn Thị Thu
Từ khóa: chỉ số hạn K, kịch bản biến đổi khí hậu, lượng bốc hơi tiềm năng, nhiệt độ tối cao trung bình tháng, nhiệt độ tối thấp trung bình tháng.

Tóm tắt

Hải Dương là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, thu nhập bình quân đầu người là 3020 USD\năm, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hạn hán sẽ là một thiên tai tự nhiên ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội nhất là cây trồng. Bằng phương pháp đánh giá tương quan và xây dựng phương trình hồi quy phức, nghiên cứu cho thấy có mối tương quan tốt giữa tổng lượng bốc hơi tháng với tổng lượng mưa tháng, nhiệt độ trung bình tháng, nhiệt độ tối cao trung bình tháng và nhiệt độ tối thấp trung bình tháng. Đây là cơ sở để tính lượng bốc hơi tiềm năng trong tương lai dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sử dụng phương pháp tính chỉ số hạn K bằng số liệu đầu vào là kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, nghiên cứu đã tính được diễn biến hạn cho 3 tháng hạn nhất trong năm (tháng 12, tháng 1và tháng 2) cho giai đoạn 2021 - 2050 tại tỉnh Hải Dương. Kết quả cho thấy với cả 2 kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5 chỉ số hạn ở mức khô hạn và rất khô hạn. Với kịch bản RCP 8.5, mức độ hạn cao hơn kịch bản RCP 4.5, mức độ hạn tại trạm khí tượng Chí Linh cao gấp 1,4 - 1,5 lần tại trạm khí tượng Hải Dương và đặc biệt, hạn có tính chu kì khá rõ rệt với kịch bản RCP 8.5, khoảng 9 - 10 năm lại xuất hiện một cực đại. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-09-20