Nghiên cứu sử dụng zeolite tự nhiên, than sinh học và phân rơm để hạn chế tích lũy kim loại nặng chì và cadimi trong rau ăn lá do sử dụng nước tưới ô nhiễm

  • Nguyễn Thị Giang
  • Nguyễn Thị Ngọc Dinh
  • Nguyễn Thị Phương
  • Nguyễn Thị Hằng Nga
Từ khóa: Chất lượng nước tưới, kim loại nặng, khoáng sét, than sinh học, phân rơm

Tóm tắt

   Ô nhiễm nước trên các hệ thống thủy lợi đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng nông sản. Bài báo này đề cập đến giải pháp sử dụng một số vật liệu khoáng sét zeolite, than sinh học và phân rơm để hạn chế tích lũy kim loại nặng Pb và Cd trong rau ăn lá do sử dụng nước tưới ô nhiễm góp phần nâng cao chất lượng nông sản an toàn và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Nghiên cứu đã thực hiện các thí nghiệm trong nhà lưới với nguồn nước tưới giả định nồng độ ô nhiễm Pb 0,5ppm và Cd 0,1ppm, đối tượng cây trồng gồm rau cải và mồng tơi, trồng 03 vụ liên tiếp. Các chất phối trộn vào đất gồm zeolite, than sinh học và phân rơm. Kết quả cho thấy bổ sung 3% zeolite đã làm giảm 39,9-46,7% hàm lượng Pb và 57,1-62,5% hàm lượng Cd di động trong đất. Bổ sung 5% than sinh học và phân rơm làm giảm 19,48-21,47 % hàm lượng Pb và 37,61-39,47% hàm lượng Cd đi động trong đất. Tỉ lệ phối trộn khoáng sét zeolite 2-3% (400-600 kg/ha) đã làm giảm tích lũy của Pb khoảng 60,3-70,5% và Cd khoảng 60,3-70,5% trong lá rau cải và mồng tơi. Tỉ lệ phối trộn phân rơm và than sinh học 5% (100 kg/ha) có thể giảm được 40-45% tích lũy Pb và 45-50 % tích lũy Cd trong lá rau.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-09-29
Chuyên mục
BÀI BÁO KHOA HỌC