ỨNG DỤNG CÁC KỸ THUẬT NỘI SUY KHÔNG GIAN ĐỂ PHÁT TRIỂN PHƯƠNG PHÁP TỐI ƯU HÓA VỊ TRÍ CÁC TRẠM ĐO MƯA TRÊN LƯU VỰC SÔNG ĐÀ RẰNG
Tóm tắt
Lượng mưa là một trong những thông tin quan trọng trong nghiên cứu khí tượng thủy văn. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, dữ liệu dự báo khí tượng thủy văn là rất cần thiết cho việc lập mô hình mô phỏng khí hậu, dự báo thiên tai đặc biệt là lũ lụt và sạt lở đất. Để đảm bảo độ chính xác của việc dự báo lượng mưa cũng như chi phí xây dựng và vận hành trạm đo mưa thì việc xác định số lượng trạm đo mưa tối ưu là rất quan trọng. Do đó, nghiên cứu này đã phát triển một thiết kế tối ưu hóa cho mạng lưới trạm đo mưa ở sông Đà Rằng, tập trung vào số lượng và phân bố không gian của các trạm đo mưa. Phương pháp địa thống kê kết hợp với thuật toán nội suy không gian đã được áp dụng bằng cách sử dụng dữ liệu lượng mưa từ năm 2015-2020. Việc lựa chọn phương pháp nội suy không gian thích hợp ảnh hưởng đến độ chính xác của quá trình tối ưu hóa. Kết quả phân tích nội suy cho thấy sự biến đổi không gian của các kiểu mưa trên toàn khu vực nghiên cứu theo mùa, cũng như sự phân bố địa lý của lượng mưa. Sau khi xác định được số lượng trạm tối ưu, phương pháp tiếp cận dựa trên hệ thống thông tin địa lý thu được bản đồ phân bổ không gian vị trí các trạm đo mưa tối ưu. Kết quả cho thấy số lượng các trạm đo mưa cần lắp đặt thêm là 14, vị trí các trạm đo được lấy ngẫu nhiên trong vùng mưa với khoảng cách giữa các trạm là 10 km. Các trạm đo mưa được lắp đặt thêm cùng với các trạm đo mưa hiện có trong khu vực sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về lượng mưa, từ đó có những dự báo chính xác giá trị lượng mưa phân bố trên khu vực nghiên cứu.