ĐO LƯỜNG RỦI RO THỊ TRƯỜNG CỦA DANH MỤC CHỈ SỐ VN-INDEX BẰNG MÔ HÌNH GIÁ TRỊ CHỊU RỦI RO

  • VÕ THỊ THÚY ANH
  • NGUYỄN ANH TÙNG

Abstract

Sự đổ bể tài chính trong những năm đầu thập niên 90 và những năm gần đây xảy ra đối với hàng loạt các tổ chức tài chính lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới xuất phát từ những biến động bất thường trong các điều kiện của thị trường. Hàng tỷ USD đã bị tổn thất và nhiều bài học bổ ích được rút ra. Thực trạng này đã làm cho rủi ro thị trường (RRTT) trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định, giới đầu tư và các nhà làm luật. Được phát triển từ năm 1993, thước đo giá trị chịu rủi ro gọi tắt là VaR (Value at Risk) được xem là công cụ có tính đột phá và hiệu quả trong đo lường, kiểm soát RRTT. Hiệp định Basel sửa đổi bổ sung năm 1996 đã xem VaR là nền tảng để xây dựng hành lang pháp lý, tạo sân chơi thống nhất và bình đẳng cho các tổ chức tài chính quốc tế. Quá trình áp dụng thước đo VaR trong các tổ chức tài chính không ngừng được phát triển, có thể được khái quát qua 3 cấp độ chính: Tiêu chuẩn đo lường, so sánh mức độ RRTT giữa các vị thế khác nhau; Công cụ dùng để kiểm soát rủi ro và cuối cùng là sử dụng thước đo VaR để quản lý rủi ro một cách chủ động và linh hoạt. Trong đầu tư cổ phiếu, bên cạnh việc sử dụng thước đo VaR để xác định và dự báo mức độ tổn thất tối đa có thể xảy ra, là cơ sở để xác định mức vốn an toàn rủi ro cần thiết trước nguy cơ rủi ro từ thị trường chứng khoán, thước đo VaR còn là cơ sở để kiểm soát RRTT, đánh giá hiệu quả đầu tư điều chỉnh rủi ro và là căn cứ khoa học đối với các quyết định phân bổ hay rút vốn ra khỏi các lĩnh vực đầu tư. Đối với TTCK VN, rủi ro thị trường hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các quyết định đầu tư dựa trên phân tích định tính là chính. Các mô hình dự báo và lượng hóa rủi ro thị trường ít được sử dụng hoặc sử dụng với mức độ hạn chế. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi thực hiện việc dự báo, lượng hóa mức độ RRTT bằng thước đo VaR đối với danh mục thị trường (chỉ số Vn-Index) trên cơ sở cách tiếp cận tham số thông qua các mô hình kinh tế lượng chuỗi thời gian: AR, MA và ARMA kết hợp với ARCH, GARCH, TGARCH, EGARCH và IGARCH.http://jabes.ueh.edu.vn/Home/SearchArticle?article_Id=38ab99ae-3836-4e27-a911-ac544f7a66c9
điểm /   đánh giá
Published
2018-06-13
Section
Bài viết