Tỷ lệ hiện mắc rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em 18-30 tháng tuổi và một số yếu tố liên quan tại tỉnh Hòa Bình, năm 2017

  • Lê Thị Vui
  • Chu Thị Thúy Quỳnh
  • Nguyễn Thúy Quỳnh
  • Nguyễn Mai Hương
  • Nguyễn Thị Hồng Thúy
  • Bùi Thị Thu Hà
  • Hoàng Văn Minh

Tóm tắt

Mục tiêu: Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là một rối loạn phát triển ở trẻ em, hiện có xu hướng gia tăng trên thế giới và tại Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm xác định tỷ lệ hiện mắc RLPTK và tìm hiểu một số yếu tố liên quan (cá nhân và gia đình) ở trẻ 18 – 30 tháng tuổi tại tỉnh Hòa Bình năm 2017.

Phương pháp: Nghiên cứu cắt ngang trên 5893 trẻ 18 – 30 tháng tuổi tại 3 huyện/thành phố tỉnh Hòa Bình, sử dụng công cụ bảng kiểm sàng lọc tự kỷ có chỉnh sửa (M-CHAT) để sàng lọc phát hiện trẻ có nguy cơ RLPTK tại cộng đồng. Toàn bộ trẻ dương tính (101 trẻ) và khoảng 2,5% số trẻ âm tính (155 trẻ) với M-CHAT được mời khám chẩn đoán, trong đó 97 trẻ dương tính và 149 trẻ âm tính đã được các chuyên gia khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi trung ương chẩn đoán RLPTK theo sổ tay thống kê chẩn đoán các rối loạn tâm thần (DSM-IV). Chúng tôi tiến hành nhập số liệu bằng Epidata 3.1 và phân tích số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0.

Kết quả: Tỷ lệ hiện mắc RLPTK ở trẻ 18 – 30 tháng tuổi tại địa bàn nghiên cứu là 7,3‰. Tỷ lệ này có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở bé trai, trẻ sống ở thành thị, gia đình có người mắc rối loạn tâm thần kinh hay khuyết tật bẩm sinh, và mẹ trẻ có tiền sử sảy thai hay nạo hút thai.

Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ hiện mắc RLPTK ở trẻ em có xu hướng tăng. Tình trạng tự kỷ có mối liên quan có ý nghĩa thống kê với một số yếu tố cá nhân và gia đình của trẻ. Cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu ở quy mô lớn hơn để tìm hiểu về tỷ lệ hiện mắc RLPTK và một số yếu tố liên quan.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-12-18
Chuyên mục
Bài viết