ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH CHO THỊ TRƯỜNG NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO TẠI VIỆT NAM DỰA TRÊN MÔ HÌNH EPM
Tóm tắt
Việt Nam là quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, do đó nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cùng với lượng phát thải khí nhà kính. Để hiện thực hóa mục tiêu kép vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng song song với quá trình phi cacbon hóa nền kinh tế, Việt Nam đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng theo hướng cân đối mọi nguồn lực, đồng thời tăng cường hợp tác và hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia lần thứ VIII của Việt Nam, mục tiêu là từng bước giảm điện than, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần được xây dựng liên tục và dài hạn, đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một cách tiếp cận toàn diện hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách chiến lược xây dựng các chính sách, cơ chế cụ thể thúc đẩy năng lượng tái tạo thông qua sự tương tác của các thành phần trong hệ thống năng lượng, hướng tới hệ sinh thái đổi mới thị trường điện và dịch vụ phụ trợ. Bài báo phân tích cấu trúc thị trường điện Việt Nam, mối quan hệ và sự tương tác giữa các thành phần, từ đó ứng dụng mô hình hệ sinh thái (EPM) đề xuất các chính sách cho thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.