ỨNG DỤNG MÔ HÌNH CROPWAT DỰ BÁO NHU CẦU SỬ DỤNG NƯỚC CỦA MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHỦ LỰC TẠI HUYỆN EA H’LEO, TỈNH ĐẮK LẮK TRONG ĐIỀU KIỆN BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

  • Nguyễn Thị Ngọc Quyên
  • Lâm Thị Nghiêm
  • Nguyễn Thị Tịnh Ấu
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, cây trồng, CROPWAT, Ea H’leo, nhu cầu sử dụng nước.

Tóm tắt

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình trạng khan hiếm nguồn nước hiện nay, việc đánh giá và dự báo nhu cầu sử dụng nước cho cây trồng là cực kỳ quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước. Nghiên cứu đã ứng dụng mô hình CROPWAT để xác định nhu cầu sử dụng nước của 9 loại cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Ea H’leo trong giai đoạn hiện trạng (2002 - 2022) và dự báo đến năm 2035 theo Kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016; và đến năm 2065 theo kịch bản Biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2020. Kết quả cho thấy, tổng nhu cầu sử dụng nước của các cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện Ea H’leo giai đoạn hiện trạng vào khoảng 420,6 triệu m3/năm, tập trung vào các tháng mùa khô từ tháng XI đến tháng IV năm sau. Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tổng nhu cầu sử dụng nước của cây trồng đến năm 2035 giảm 5,84 triệu m3/năm (kịch bản RCP 4.5) và tăng 1,53 triệu m3/năm (kịch bản RCP 8.5) so với giai đoạn hiện trạng. Đến năm 2065, tổng nhu cầu nước của cây trồng tăng ở cả hai kịch bản (6,53 triệu m3/năm theo kịch bản RCP 4.5 và 16,04 triệu m3/năm theo kịch bản RCP 8.5). Như vậy dưới tác động của biến đổi khí hậu, nhu cầu nước của các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu, điều, sầu riêng, bơ có xu hướng tăng lên. Điều này đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho các nhà quản lý tại địa phương. Kết quả của nghiên cứu có thể được dùng làm cơ sở để lập kế hoạch tưới phù hợp với đặc điểm của cây trồng, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thích ứng với BĐKH cũng như là tài liệu tham khảo hỗ trợ các nhà ra quyết định trong công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước hợp lý trên khu vực nghiên cứu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-12-21