Xạ trị lập thể định vị thân ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I với u phổi ngoại vi

https://doi.org/10.52322/jocmbmh.120.08

  • Phạm Văn Luận
  • Nguyễn Đình Tiến
  • Lê Ngọc Hà
  • Bùi Quang Biểu
Từ khóa: Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I, xạ trị lập thể định vị thân

Tóm tắt

Đặt vấn đề: Xạ trị lập thể định vị thân (SBRT) hiện nay được chỉ định điều trị cho bệnh nhân (BN) ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) giai đoạn sớm không có chỉ định phẫu thuật.

Mục tiêu: Đánh giá kết quả của điều trị SBRT ở bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn I (T1-T2aN0M0) không phẫu thuật, có u phổi ngoại vi.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu, theo dõi dọc 23 bệnh nhân UTPKTBN giai đoạn T1-T2aN0M0, u phổi ngoại vi, được SBRT, theo dõi và đánh giá từ tháng 01/2015 đến 01/2020. Tiêu chuẩn chính là tỉ lệ đáp ứng khách quan(ORR), tỉ lệ kiểm soát bệnh(DCR), thời gian sống thêm bệnh không tiến triển(PFS). Tiêu chuẩn phụ là thời gian sống thêm toàn bộ(OS), tác dụng không mong muốn.

Kết quả: Tuổi trung bình là 65,13 tuổi, kích thước trung bình của khối u là 3,31cm, giá trị SUVmax trung bình 7,77. Giai đoạn của khối u đa số là T2a (60,9%). Trung vị thời gian theo dõi là 26 tháng, ORR là 91,3%, DCR là 95,7%. Trung vị PFS 26 tháng, trung vị OS 58 tháng, tỉ lệ OS tại thời điểm 1 năm, 2 năm, 3 năm, 4 năm, 5 năm lần lượt là 95,7%, 65,2%, 39,1%, 26,1% và 17,4%. Tác dụng không mong muốn hay gặp là viêm phổi do xạ: 9 BN, chủ yếu độ 1, không có viêm phổi do xạ độ 4, 5. Không có sự thay đổi chức năng hô hấp của BN sau điều trị SBRT.

Kết luận: SBRT là phương pháp điều trị cho kết quả tốt, không có sự khác biệt về thời gian sống thêm giữa bệnh nhân từ chối phẫu thuật và bệnh nhân không có chỉ định phẫu thuật do bệnh kết hợp. Đây cũng là biện pháp điều trị an toàn cho người bệnh.

 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-04-11
Chuyên mục
BÀI VIẾT