HOẠT TÍNH KHÁNG TỤ CẦU VÀNG Staphylococcus aureus CỦA DỊCH CHIẾT VÀ CÁC HỢP CHẤT PHÂN LẬP TỪ LOÀI GIÁC ĐẾ THANH LỊCH (Goniothalamus elegans)

  • Nguyễn Nguyên Thị Diệu Linh, Hồ Đăng An, Võ Đức Huy, Nguyễn Di Khánh, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Tấn Khanh, Trần Thị Thuỳ Linh
Từ khóa: Goniothalamus elegans; Mô phỏng phân tử; Phương pháp hoà tan; Phương pháp khuếch tán đĩa thạch; Staphylococcus aureus.

Tóm tắt

Các loài thuộc chi Goniothalamus được sử dụng trong Y học cổ truyền để chữa các bệnh đau nhức xương khớp, hạ sốt, điều trị mụn nhọt, ban sởi và làm lành vết thương. Ngoài ra, dịch chiết và các hợp chất phân lập từ chi này đã được báo cáo khả năng kháng khuẩn, chống sốt rét và gây độc tế bào ung thư. Tụ cầu vàng, Staphylococcus aureus là một vi khuẩn phổ biến gây nhiễm trùng da cũng như các vấn đề về hô hấp và tiêu chảy. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã đánh giá hoạt tính chống S. aureus của các dịch chiết và hợp chất phân lập từ cây Giác đế thanh lịch Goniothalamus elegans. Kết quả cho thấy dịch chiết ethyl acetate cùng với hai alkaloid là lysicamine và liriodenine đã ức chế sự phát triển của vi khuẩn với đường kính vô khuẩn từ 9,2 - 10,5 mm. Đặc biệt, lysicamine và liriodenine có khả năng ức chế S. aureus đáng kể với MIC < 1,25 mg/mL. Ngoài ra, phương pháp mô phỏng tương tác phân tử được áp dụng nhằm tìm hiểu cơ chế kháng khuẩn của 2 alkaloid. Theo đó, lysicamine và liriodenine tương tác với Clumping factor A, protein đóng vai trò quan trọng trong khả năng gây bệnh và độc lực của S. aureus với ái lực liên kết lần lượt là -6,8 và -7,0 Kcal/mol. Đồng thời, 2 alkaloid cũng tương tác với Phosphotransacetylase, protein giữ vai trò cốt yếu trong sinh trưởng và phát triển của S. aureus với ái lực liên kết lần lượt là -5,4 và -5,9 Kcal/mol. Nghiên cứu là cơ sở cho việc sử dụng cây Giác đế thanh lịch trong điều trị nhiễm khuẩn do Tụ cầu vàng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2024-02-28
Chuyên mục
Bài viết