VẬN DỤNG MÔ HÌNH 5E TRONG DẠY HỌC MÔN KHOA HỌC TỰ NHIÊN NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TÌM HIỂU TỰ NHIÊN CHO HỌC SINH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
Tóm tắt
Theo chương trình môn Khoa học Tự nhiên 2018, năng lực tìm hiểu tự nhiên là một trong ba thành phần của năng lực khoa học tự nhiên, giúp học sinh có khả năng tìm hiểu và giải thích sự vật hiện tượng trong tự nhiên và đời sống bằng các dẫn chứng khoa học. Đặc trưng quan trọng của việc dạy học môn Khoa học Tự nhiên là học sinh cần được trải nghiệm, khám phá những sự vật hiện tượng của thế giới tự nhiên thông qua thí nghiệm, trải nghiệm thực tiễn từ đó hình thành tri thức khoa học và vận dụng tri thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Mô hình 5E là mô hình dạy học khoa học phù hợp với triết lý giáo dục “ lấy người học làm trung tâm” và được xây dựng dựa trên lý thuyết dạy học kiến tạo, học sinh xây dựng kiến thức mới dựa trên kiến thức hoặc trải nghiệm đã biết trước đó. Sử dụng mô hình 5E trong dạy học giúp học sinh tiếp nhận kiến thức một cách có hệ thống và hiệu quả. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích mối tương quan giữa mô hình 5E và các biểu hiện của năng lực tìm hiểu tự nhiên, vận dụng mô hình này vào thiết kế và tổ chức dạy học bài oxygen ở môn Khoa học Tự nhiên 6. Chúng tôi đã sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa thuộc nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết trong tham khảo các nguồn tài liệu có nội dung liên quan đến vấn đề nghiên cứu, sử dụng phương pháp chuyên gia thuộc nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn để xin ý kiến về cấu trúc năng lực tìm hiểu tự nhiên và kế hoạch dạy học bài oxygen môn Khoa học Tự nhiên 6.