Một số yếu tố liên quan đến rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp

  • Vũ Mạnh Tân
Từ khóa: can thiệp động mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim, yếu tố liên quan

Tóm tắt

Mục tiêu: Nhận xét đặc điểm và một số yếu tố liên quan đến rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu mô tả trên 93 bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành từ 7/2021 đến tháng 4/2022, ghi holter điện tim 24h trong vòng 24h đầu kể từ khi nhập viện, phân tích rối loạn nhịp và các yếu tố liên quan. Kết quả nghiên cứu: Tuổi trung bình: 70,12 ± 12,21, đa số ≥ 60 tuổi, nam (63,44%) nhiều hơn nữ (36,56%). 54,80% trường hợp sau nhồi máu cơ tim cấp có rối loạn nhịp tim. Tỷ lệ rối loạn nhịp thất chung 32,26%; ngoại tâm thu thất 30,11%. Tỷ lệ rối loạn nhịp trên thất 43,91%; rung nhĩ 15,05%. Chưa thấy liên quan giữa giới tính, loại nhồi máu, thời gian cửa bóng sau 6h và 12h với rối loạn nhịp tim (OR= 0,74; 95%CI= 0,31-1,72; p= 0,62), (OR = 0,73; 95%CI = 0,32-1,70; p= 0,61), (OR= 1,83; 95%CI= 0,78-4,31; p= 0,24), (OR= 1,29; 95%CI= 0,41-3,96; p= 0,66). Chưa thấy liên quan giữa vị trí nhồi máu thành trước và rối loạn nhịp thất (OR= 1,04; 95%CI= 0,35-3,07; p= 0,99). Bệnh nhân NMCT cấp có phân số tống máu (EF%) ≤ 40% có nguy cơ gia tăng rối loạn nhịp thất so với bệnh nhân có phân số tống máu > 40% (OR=15,50; 95%CI=1,77-135,59; p= 0,01). Kết luận: Ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp được can thiệp động mạch vành thủ phạm, ngoại tâm thu thất và rung nhĩ là các rối loạn thường gặp, phân số tống máu < 40% là yếu tố liên quan tới gia tăng rối loạn nhịp thất.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-09-13
Chuyên mục
Bài viết