Kết quả điều trị và một số yếu tố liên quan đến mức độ nặng của bệnh tay chân miệng tại bệnh viện trẻ em Hải Phòng năm 2021 - 2022

  • Chu Thị Hà
Từ khóa: Bệnh tay chân miệng, ban trên da

Tóm tắt

Mục tiêu: Nhận xét kết quả điều trị và một số yếu tố liên quan đến mức độ nặng của bệnh tay chân miệng (TCM) tại bệnh viện Trẻ em Hải Phòng năm 2021-2022. Đối tượng nghiên cứu: 174 trẻ dưới 15 tuổi được chẩn đoán mắc TCM dựa trên tiêu chí lâm sàng và/hoặc cận lâm sàng theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2012. Thời gian nghiên cứu: 01/2021 đến 05/2022. Phương pháp: mô tả hồi cứu. Kết quả: Bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 10. Tỉ số nam/nữ là 1,52; độ tuổi từ 12 tháng đến 36 tháng chiếm 61,5%. Lý do vào viện vì sốt, loét miệng hoặc cả hai chiếm 82,8%. Xét nghiệm PCR tìm virus gây bệnh kết quả có 4/7 (57,1%) trường hợp dương tính với EV71 và có 3/7 (42,9%) trường hợp âm tính. Bệnh nhân không loét miệng trong thời gian bị bệnh có nguy cơ mắc TCM có biến chứng thần kinh cao hơn so với trẻ có loét miệng. Trẻ có sốt cao trên 39oC có nguy cơ mắc TCM có biến chứng thần kinh cao hơn so với trẻ không sốt hoặc sốt dưới 39 oC. Thời gian nằm viện của bệnh nhân chủ yếu dưới 7 ngày. Kết luận: Triệu chứng không loét miệng và sốt trên 39oC là các yếu tố làm nặng bệnh. Thời gian nằm viện khoảng 4-7 ngày. Đa số trẻ đỡ, khỏi 95,4% (166/174) và được ra viện.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-09-13
Chuyên mục
Bài viết