Khảo sát sỏi đường tiết niệu trên mèo tại phòng khám thú y Thành phố Hồ Chí Minh

  • Hồ Thy Kỳ
  • Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan
Từ khóa: Mèo, sỏi đường tiết niệu, tinh thể, vi khuẩn, sinh lý-sinh hóa

Tóm tắt

Do đặc trưng của nếp sống đô thị, mèo thường được nuôi nhốt, ăn thực phẩm khô, ít được cung cấp đầy
đủ nước cũng như tiểu tiện hạn chế. Chính vì những yếu tố này mà bệnh lý hệ tiết niệu cũng thường xảy
ra, trong đó có bệnh lý ở đường tiết niệu. Hầu hết mèo ít nhiều đều có vấn đề chung là sỏi đường tiết niệu
(thường ở bàng quang). Đây là một bệnh lý phổ biến trên mèo, nhưng chưa được chú trọng nhiều. Nhiều chủ
nuôi khó nhận ra sự khác biệt mà bệnh lý mang lại, bệnh tuy không có nhiều khả năng gây tử vong ở mèo,
nhưng vẫn mang lại sự đau đớn kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống về sau của vật nuôi. Trong nghiên cứu
này, đã phát hiện 20 con mèo bị sỏi trong số 76 con mèo có bệnh đường tiết niệu (chiếm tỷ lệ 26,3%). Những
con mèo này được xét nghiệm mẫu nước tiểu và soi dưới kính hiển vi, từ đó xác định các tinh thể và vi khuẩn
gây bệnh chủ yếu. Bên cạnh đó nghiên cứu này còn phân tích các yếu tố về giới tính, giống loài, độ tuổi và
sự thay đổi sinh lý, sinh hóa của nước tiểu.
Nước tiểu mèo là một dung dịch phức tạp, trong đó các muối, chẳng hạn như calci oxalat và magnesium
amonium phosphate có thể vẫn còn trong dung dịch trong điều kiện quá bão hòa. Tuy nhiên, nước tiểu này có
khả năng kết tủa hoặc có xu hướng hình thành các tinh thể từ các muối hòa tan. Những con mèo bị sỏi đường
tiết niệu phần lớn nằm trong độ tuổi từ 3 - 6 năm tuổi, trong đó 80% là giống ngoại, tỷ lệ mèo cái mắc bệnh
sỏi cao hơn mèo đực. Khi soi dưới kính hiển vi, phát hiện được 45% mẫu nước tiểu của mèo bị sỏi đường
tiết niệu có chứa tinh thể oxalat và 44% mẫu nước tiểu của mèo bị nhiễm vi khuẩn đường tiết niệu có chứa
vi khuẩn Staphylococcus aureus.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2022-06-21
Chuyên mục
Nghiên cứu khoa học