Đặc điểm đa kháng kháng sinh của vi khuẩn họ Enterobacteriaceae phân lập từ cá chép cảnh (Ornamental Carp - KOI fish)

  • Phạm Thị Hải Hà
  • Trần Lâm Ngọc
  • Nguyễn Thành Luân
Từ khóa: cá chép cảnh, Enterobacteriaceae, kháng sinh đồ, xử lý plasmid

Tóm tắt

Nuôi cá cảnh hiện đang được tập trung phát triển nhanh tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi thuốc kháng sinh để phòng và điều trị bệnh động vật thủy sản nói chung và bệnh cá cảnh nói riêng đã dẫn đến sự xuất hiện các loài vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong nghiên cứu này, các loài vi khuẩn họ Enterobacteriaceae phân lập từ cá chép cảnh (Ornamental carp - koi fish) có dấu hiệu mắc bệnh được đánh giá đặc điểm đa kháng kháng sinh và dự đoán vị trí gen kháng (ARGs) thông qua
thử nghiệm xử lý loại bỏ plasmid (plasmid curing). Dựa vào kết quả giải trình tự 16s rRNA, các chủng vi khuẩn có kiểu hình β-hemolysis (5/27) được định danh lần lượt là Vibrio cholerae (B2), Citrobacter freundii (B4), Klebsiella aerogenes (M6), Escherichiae coli (M7) và Klebsiella pneumonia (M8). Chỉ số đa kháng (MAR) với 15 nhóm và 30 loại kháng sinh khảo sát của các chủng vi khuẩn là 0,2 - 0,3. Quan trọng hơn, 6 loại kháng sinh đang sử dụng tại trang trại gồm ampicillin, erythromycin, ciprofloxacin, doxycycline, sulfamethoxazole/trimethoprim, và tetracycline đều bị kháng ít nhất bởi một chủng vi khuẩn. Đặc biệt sau khi xử lý plasmid, các chủng vi khuẩn tiếp tục thể hiện khả năng kháng với các kháng sinh được sử dụng tại trại cá, và 3/5 chủng vi khuẩn phân lập thể hiện khả năng giảm kháng kháng sinh. Tóm lại, vi khuẩn họ Enterobacteriacae phân lập được từ cá chép cảnh có thể mang cơ chế kháng kháng sinh qua nhiễm sắc thể và thông qua trung gian plasmid. Các nghiên cứu tiếp theo cần xác định các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của các plasmid và các ARGs vào bộ gen, cũng như giữa các loài trong cùng hệ sinh thái để có những hiểu biết quan trọng về xu hướng kháng kháng sinh của các mầm bệnh

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-11-06
Chuyên mục
Nghiên cứu khoa học