Khảo sát nguyên nhân và đánh giá hiệu quả điều trị tổn thương xương ở chó

  • Nguyễn Thành Luân
  • Nguyễn Thị Kim Loan
  • Phạm Thị Hải Hà
Từ khóa: Chó, gãy xương, ngoại khoa

Tóm tắt

Trong nghiên cứu này, các yếu tố liên quan đến tỷ lệ gãy xương và hiệu quả điều trị ở chó đến khám ở Phòng khám thú y Tín Thơ, tỉnh Bình Dương từ tháng 2 đến 6/2021 được đánh giá. Kết quả khảo sát 2.553 chó đến khám cho thấy 66 con (2,59%) được chẩn đoán tổn thương xương và phân loại thành bốn nhóm điều trị bao gồm phẫu thuật cố định xương (34,85%), nội khoa (25,75%), bó bột (19,70%), và không điều trị (19,70%). Các giống chó ngoại có tỷ lệ gãy xương là 57,58% (38/66 con) cao hơn các giống chó nội 42,42% (38/66 con). Xét theo giới tính, 48/66 chó đực (72,73%) bị gãy xương cao hơn so với 18/66 chó cái (27,27%). Tỷ lệ chó bị gãy xương xảy ra nhiều ở chó dưới một tuổi (53,03%) và ở giống nội nhiều hơn so với giống chó lai mà nguyên nhân chính gây gãy xương chó là do chó bị tai nạn giao thông đường bộ. Gãy xương chi được ghi nhận với tỷ lệ cao nhất (74,24%). Tỷ lệ chó và mèo bị gãy chi trước là 53,06%; tiếp theo là chi sau với 44,90% và gãy cả hai chi là 2,04%. Có 23 trường hợp được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật; chiếm 34,85% các trường hợp tổn thương xương được đưa đến bệnh xá thú y để điều trị. Trong đó có 7 ca sử dụng phương pháp đinh xuyên tủy (30,43%), 6 ca sử dụng phương pháp cố định ngoài (26,09%), 5 ca kết hợp hai phương pháp đinh xuyên tủy và cố định ngoài (21,74%), 4 ca tháo khớp (17,39%), 1 ca sử dụng nẹp vít (4,35%). Sau khi điều trị, 7 trường hợp
(19,44%) được ghi nhận với biến chứng do chó quá già hoặc chăm sóc không cẩn thận, hoặc chó tăng động, tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong. Các nghiên cứu tiếp theo cần khảo sát yếu tố điều chỉnh chính của quá trình tái tạo mạch máu trong việc chữa lành gãy xương nội mạc cũng như sự thông mạch và tưới máu ở từng phương pháp điều trị.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2023-11-20
Chuyên mục
Nghiên cứu khoa học