Nghiên cứu khả năng chịu hạn liên quan đến hình thái rễ và cấu trúc khí khổng của 12 giống lúa mùa (Oryza sativa L.) trong điều kiện hạn nhân tạo.

  • Trần Ngọc Sơn*, Võ Công Thành, Võ Lan Hương, Đặng Thị Yến Nhi, Trần Thị Thùy Dương, Nguyễn Lam Đình, Từ Thị Diễm My
Từ khóa: chịu hạn, khí khổng, lúa mùa, rễ.

Tóm tắt

Chọn giống lúa chịu hạn để canh tác là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay nhằm tránh những ảnh hưởng do hạn hán đang có những diễn biến phức tạp. Thí nghiệm được bố trí kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên một nhân tố, gồm 12 giống lúa mùa trong điều kiện gây hạn nhân tạo, 3 lần lặp lại. Các chỉ tiêu được đánh giá qua hình thái, cấu trúc giải phẫu rễ và khí khổng cây lúa phù hợp với môi trường hạn. Kết quả cho thấy 3 giống (Sophinh, Xương gà đỏ và Bằng nâu) có khả năng chịu hạn tốt nhất trong giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng (28 ngày sau khi ngắt nước). Giống Sophinh có mật độ và diện tích khí khổng nhỏ nhất (tương ứng 529,3 kk/mm2 và 88,6 µm2), giúp giảm mất nước qua quá trình thoát hơi nước khi cây thiếu nước. Giống Xương gà đỏ có tỷ lệ rễ sâu cao nhất (58,7%), có thể tăng khả năng lấy nước từ tầng đất sâu. Giống Bằng nâu có đường kính rễ dày 876,3 µm và diện tích lõi lớn (đạt 54,4x103 µm2), chứa nhiều hậu mộc và tổng diện tích hậu mộc lớn nhất (tương ứng 5,6 và 12x103 µm2), giúp tăng lực dẫn nước lên chồi. Mối quan hệ giữa số rễ, số mạch hậu mộc và mật độ khí khổng là tương quan nghịch; trong khi tương quan giữa đường kính rễ, số hậu mộc và tổng diện tích hậu mộc là tương quan thuận. Kết quả này sẽ giúp định hướng phát triển giống lúa theo cơ chế chịu hạn.

Tác giả

Trần Ngọc Sơn*, Võ Công Thành, Võ Lan Hương, Đặng Thị Yến Nhi, Trần Thị Thùy Dương, Nguyễn Lam Đình, Từ Thị Diễm My

Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-03-12
Chuyên mục
KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP