Lời tòa soạn

  • NC & PT

Tóm tắt

LỜI TÒA SOẠNSông An Cựu là một cảnh quan kỳ thú gắn bó với thiên nhiên xứ Huế qua câu ca dao:“Núi Ngự Bình trước tròn sau méo,Sông An Cựu nắng đục mưa trong”.Cách đây hơn 200 năm, khi bắt tay tái thiết kinh đô Huế, vua Gia Long sớm nhận ra vai trò của sông An Cựu đối với vùng đất đế đô nên đã cho nạo vét, khơi thông dòng chảy của con sông này từ Sông Hương đến phá Hà Trung, vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển giao thông thủy, biến con sông chết trước đó thành một cảnh quan trù phú, xinh đẹp. Đó quả là một việc làm mang lại mối lợi muôn đời cho người dân, đúng như nhận xét của vua Minh Mạng khi quyết định đổi tên sông An Cựu thành sông Lợi Nông vào năm 1821, rồi nâng thành một biểu tượng của vùng đất kinh đô khi cho khắc hình ảnh và tên sông Lợi Nông vào Cửu đỉnh năm 1835.Nhưng chỉ hơn 70 năm sau khi triều Nguyễn cáo chung, dòng sông An Cựu đầy sức sống ngày nào giờ đã suy kiệt đến mức trầm trọng: lòng sông bị bồi lấp cạn hẹp khiến dòng chảy bị tắc nghẽn, nguồn nước bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt, cảnh quan đôi bờ bị biến dạng… khiến nhiều đoạn sông tù đọng không khác gì những đoạn sông chết. Mặc dù chính quyền sở tại đã nỗ lực cứu vãn, nhưng do các chính sách quy hoạch, phát triển chưa đồng bộ và thiếu hợp lý, nên tình trạng quá tải của dòng sông An Cựu hiện nay đã đến lúc báo động. Trước tình hình ấy, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển xin dành trọn số báo này đăng tải các bài khảo cứu liên quan đến sông An Cựu xưa và nay, để bạn đọc có dịp nhìn lại và suy ngẫm về những lớp trầm tích văn hóa lắng đọng theo thời gian trên dòng sông một thời từng là biểu tượng của kinh đô Huế. Thiết nghĩ, một khi đã thấu hiểu những giá trị lịch sử của dòng sông An Cựu, mỗi cá nhân trong cộng đồng sẽ cùng chung tay cứu vãn, để dòng sông An Cựu sớm trở lại “nắng đục mưa trong” như xưa. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2019-03-02
Chuyên mục
Xuôi dòng An Cựu