Phúc thần của người Việt ở hải ngoại: Trường hợp chí sĩ Trần Đông Phong trong Phong trào Đông Du và mộ phần hiện còn ở Nhật Bản.

  • Chu Xuân Giao
Từ khóa: CXG

Tóm tắt

Phúc thần và tín ngưỡng phúc thần của cộng đồng người Việt Nam cư trú ở hải ngoại là chủ đề cho đến nay hầu như vẫn còn bỏ ngỏ trong lĩnh vực nghiên cứu tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam và về Việt Nam, nhưng chắc hẳn sẽ rất hấp dẫn trong tương lai. Ở mức tổng quan nhất, có thể kể các vị phúc thần lừng danh sau đây đang được phụng thờ ở nhiều quốc gia khác nhau: Hùng Vương (quốc tổ), Hai Bà Trưng (nhân thần), Trần Hưng Đạo (nhân thần), Liễu Hạnh (nhiên thần).
Bài viết này, qua thực tế học tập và điều tra điền dã dân tộc học nhiều năm ở Nhật Bản, kết hợp với những kết quả nghiên cứu chuyên sâu về Phong trào Đông Du thời đầu thế kỷ XX (1905-1909) và những tiến triển trong đương đại của nó, sẽ giới thiệu về vị phúc thần Trần Đông Phong đang hình thành trong cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản hiện nay. Vị phúc thần này xuất thân là một chí sĩ yêu nước, tới Nhật Bản theo tiếng gọi của các lãnh tụ Phong trào Đông Du, rồi quyên sinh vào năm 1908 ở Tokyo khi phong trào đi đến bước tan rã. Trải qua hơn một thế kỷ, mộ phần của Trần Đông Phong hiện vẫn nằm trong một nghĩa trang nhân dân ở Tokyo, được nhiều người Việt Nam và Nhật Bản biết đến và tới thăm viếng quanh năm. Có không ít người Việt Nam tới cầu xin sự phù hộ độ trì từ ông, rồi khi đã thành tựu thì sẽ tới cảm tạ.
Những năm gần đây, mỗi độ tết đến xuân về thì trên mộ phần Trần Đông Phong thường có hoa trái và đồ lễ mang phong vị quê nhà. Chí sĩ của Phong trào Đông Du đầu thế kỷ XX đang trở thành một vị phúc thần trong đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đầu thế kỷ XXI.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2021-01-26
Chuyên mục
ĐẤT NƯỚC - NHÂN VẬT