Nhân thân, và bạo lực (Trần Hữu Dũng giới thiệu)

  • Amartya Sen

Tóm tắt

Tuy ít được biết ngoài giới kinh tế, Amartya Sen (quê quán Bangalore, Ấn Độ, đoạt giải Nobel kinh tế năm 1998, hiện là giáo sư Harvard) là một kinh tế gia đáng cho đồng nghiệp của ông hãnh diện. Đã là một nhà toán kinh tế (một ngành cực kỳ khó!) hàng đầu ngay khi còn trẻ, Sen không bao giờ dùng toán để “lòe” người đọc, trái lại, ông luôn tìm cách giải thích bằng ngôn ngữ thông thường những định lý mà ông khám phá. Từ vài thập kỷ gần đây, Sen chuyển sang nghiên cứu về những vấn đề triết lý lớn, những vấn đề kinh tế trọng đại (như nạn đói, công bằng thu nhập, v.v…) và luôn luôn có những nhận định sâu sắc, lý luận khúc chiết, xây dựng trên một nền tảng kiến văn vô cùng quảng bác.

Trong cuốn sách vừa xuất bản, “Nhân thân, và bạo lực”, Sen vận dụng khả năng phân tích sắc bén, kinh nghiệm sống phong phú, và suy tư sâu sắc của ông để bài bác hai luận đề nổi tiếng ngay từ đầu thập niên 90, đó là (1) “sự đụng độ của các nền văn minh” của Samuel Huntington, và (2) “giá trị châu Á”, thường được gán cho nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

Sen thú nhận rằng tác phẩm này có một tham vọng khá lớn, đó là đưa ra một cách nhìn mới về bạo lực trên thế giới. Thực ra, Sen còn đi xa hơn, xem xét một loạt ý niệm thời thượng: từ “văn minh” đến “giá trị châu Á”, từ “kinh tế thị trường” đến “toàn cầu hóa”. Sen không nói, nhưng người đọc sẽ nhận ra rằng tư tưởng của ông là phản ánh tiếp cận kinh tế theo cái nghĩa khoa học nhất của nó.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2008-10-27
Chuyên mục
Các bài chính