Thẩm tách micro, kĩ thuật định lượng thuốc dạng tự do tại mô đích tác dụng: Nguyên tắc và ứng dụng trong nghiên cứu thuốc

  • Nguyễn Thanh Hải
  • Guiard Bruno
  • Gardier Alain
  • Thái Nguyễn Hùng Thu

Tóm tắt

Đánh giá dược lý của một số thuốc thông qua định lượng nồng độ thuốc ở dạng tự do tại mô đích tác dụng của thuốc được xem như là một cách hợp lý nhất để cung cấp các dữ liệu lâm sàng có ý nghĩa hơn các kết quả thu được từ trong máu. Hiện nay, các kỹ thuật nano được áp dụng ngày một nhiều trong công nghệ bào chế để tạo ra các thuốc giải phóng hoạt chất tại đích tác dụng, do đó việc xác định nồng độ thuốc tại mô đích sẽ là yếu tố thuận lợi cho công nghệ này phát triển. Bài tóm tắt này nhằm mô tả kỹ thuật thẩm tách micro và một số ứng dụng của nó trong nghiên cứu thuốc.

Thẩm tách micro là kĩ thuật cho phép xác định được nồng độ các chất nội sinh và ngoại sinh tại mô đích tác dụng, dựa vào sự khuếch tán thụ động của các phân tử có trọng lượng thấp khi qua các lỗ của một màng bán thấm trên một kim thăm dò được cấy vào tổ chức đích. Quy trình chung gồm 5 bước: 1. Chuẩn bị, 2. Cấy kim thăm dò vào mô đích, 3. Truyền dịch, 4. Định lượng, 5. Hiệu chỉnh lại nồng độ thuốc thông qua hiệu suất in vitro hoặc in vivo của màng bán thấm.

Thẩm tách micro được biết đến từ những thập niên 1960 khi sử dụng một túi thẩm tách có kích thước lỗ màng rất lớn để thu được các phân tử acid amin trong các tổ chức mô trên động vật thực nghiệm. Đến năm 1974, nhờ sự hỗ trợ của các phương pháp định lượng mới, Ungerstedt và cộng sự đã cải tiến lại kĩ thuật dưới dạng kim thăm dò có đầu là màng bán thấm và đưa ra công trình nghiên cứu đầu tiên về định lượng nồng độ dopamin trong não chuột thực nghiệm. Năm 1987, kĩ thuật này được áp dụng nghiên cứu định lượng phân tử glucose trong dịch kẽ tế bào trên người tình nguyện. Từ đó đến nay kĩ thuật thẩm tách micro càng được cải tiến và có nhiều nghiên cứu ứng dụng quan trọng trong khoa học Y Dược trên thế giới, đặc biệt trong nghiên cứu thuốc. Các nhóm thuốc đang được nghiên cứu áp dụng như: thuốc chống ung thư, thuốc kháng sinh hay thuốc chống trầm cảm.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2013-12-27
Chuyên mục
BÀI BÁO