Phân tích một số hoạt động sử dụng thuốc tại Bệnh viện C tỉnh Thái Nguyên năm 2011

  • Nguyễn Thị Song Hà
  • Hà Văn Thuý
  • Dương Ngọc Ngà

Tóm tắt

Có sự cách biệt về chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, gây nhiều khó khăn cho công tác khám chữa bệnh và quản lý ở các bệnh viện này, đồng thời không phát huy tối đa nguồn lực của hệ thống y tế. Việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện. Với mục đích đưa ra các kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng quản lý cung ứng thuốc nói chung và công tác sử dụng thuốc nói riêng, nhóm tác giả đã tiến hành đề tài  "Phân tích một số hoạt động sử dụng thuốc tại bệnh viện C tỉnh Thái Nguyên năm 2011".

            Phương pháp nghiên cứu: Mô tả hồi cứu: Phân tích các số liệu dựa trên các báo cáo, sổ sách xuất nhập, thống kê sử dụng thuốc tại Khoa Dược và Phòng Tài chính kế toán; tài liệu hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị (HĐT& ĐT) Danh mục thuốc của bệnh viện năm 2011, Danh mục thuốc chủ yếu của Bộ Y tế năm 2008. Phương pháp thu thập số liệu: phương pháp sử dụng các tài liệu có sẵn, phương pháp quan sát và phương pháp phỏng vấn.

Kết quả: Quy trình xây dựng danh mục thuốc của Bệnh viện tương đối hợp lý. Bệnh viện chưa xây dựng cẩm nang danh mục thuốc. Danh mục thuốc Bệnh viện có 396 hoạt chất, phân thành 21 nhóm tác dụng dược lý, trong đó có 90,4% là thuốc đơn thành phần, 86,9% là thuốc chủ yếu. Danh mục thuốc Bệnh viện tương đối phù hợp với mô hình bệnh tật nhưng chưa sát với nhu cầu điều trị. Trong năm 2011 có 8 loại thuốc sử dụng ngoài danh mục, trong khi đó lại có tới 47 thuốc trong danh mục không được sử dụng. Năm 2011 tổng giá trị tiền thuốc sử dụng gần 27 tỷ đồng, thuốc sản xuất trong nước chiếm 43,3% số lượng nhưng chỉ chiếm 13,6% trị giá. Tỷ lệ thuốc mang tên gốc được sử dụng là 39,5% và chiếm 34,9% giá trị tiền thuốc. Hoạt động giám sát thực hiện danh mục thuốc có hiệu quả. Hoạt động dược lâm sàng chủ yếu là kiểm tra, phê duyệt phiếu lĩnh thuốc, kiểm tra tủ trực. Bình bệnh án tần suất thấp: 1 lần/tháng. Hoạt động thông tin thuốc được chú trọng với 54 lần thông tin, 7 ADR được báo cáo.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2013-12-30
Chuyên mục
BÀI BÁO