Xác định khả năng chịu đựng sự thủy phân của tinh bột củ mài (Rhizoma Dioscorea persimilis) in-vitro bởi hệ enzym amylase

  • Nguyễn Thị Thu Thảo
  • Lê Thị Loan Chi
  • Trần Hữu Dũng

Tóm tắt

Củ mài (Rhizoma Dioscoreae persimilis) là một dược liệu được sử dụng từ rất sớm để chữa các bệnh do tỳ vị suy nhược. Bên cạnh đó, theo dân gian, củ mài còn có một tác dụng rất đáng chú ý là điều trị đái tháo đường. Tinh bột là thành phần chính của củ mài, chiếm tỷ lệ khoảng 63,3% và hầu như không có các nhóm chất có hoạt tính sinh học. Vì vậy, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài "Xác định đặc tính chịu đựng sự thủy phân của tinh bột củ mài (Rhizoma Dioscorea persimilis) in-vitro bởi hệ enzym amylase" nhằm tạo cơ sở cho sự ứng dụng của tinh bột này trong công tác hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.

Phương pháp nghiên cứu:

- Xác định thành phần dinh dưỡng củ mài: Xác định hàm lượng protein bằng phương pháp Kjeldahl; Xác định hàm lượng glucid bằng phương pháp Bertran; ...

- Khảo sát mức độ bị thủy phân của tinh bột củ mài so với tinh bột mỳ dưới tác dụng của hệ enzym amylase: Sử dụng hỗn hợp enzym α-amylase và amyloglucosidase (AMG). Phần glucose tự do toàn phần có sẵn trong mẫu bột (bao gồm glucose tự do và glucose được tạo thành từ saccharose) được xác định theo nguyên tắc dùng enzym invertase, là enzym chuyên biệt cho sự thủy phân saccharose thành glucose và fructose. Phần glucose tự do toàn phần, lượng glucose giải phóng được xác định bởi kít thử glucose peroxidase.

Kết quả nghiên cứu: Các thành phần dinh dưỡng của củ mài trồng tại tỉnh Quảng Bình cũng như các phân đoạn dinh dưỡng của loại tinh bột này đã được xác định khá đầy đủ. Đáng quan tâm nhất là hàm lượng tinh bột chiếm 61,8%, trong đó tinh bột đề kháng chiếm 72,9%, đã hỗ trợ rất đáng kể trong sự chịu đựng thủy phân bởi enzym amylase so với tinh bột mỳ. Kết quả nghiên cứu đã thể hiện được khả năng đề kháng rất cao của tinh bột củ mài với enzym amylase đường tiêu hóa. Điều đó góp phần giải thích vì sao kinh nghiệm dân gian đã sử dụng dược liệu này trong điều trị đái tháo đường, đồng thời cũng chứng minh được định hướng đúng đắn của nhóm nghiên cứu đang thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về các đặc điểm lý hóa và cấu trúc của tinh bột củ mài, nhằm tạo cơ sở lý luận cho việc ứng dụng loại tinh bột này trong công tác chế biến thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2013-12-30
Chuyên mục
BÀI BÁO