Đánh giá tác động can thiệp lựa chọn sử dụng thuốc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông qua phân tích ABC, VEN

  • Nguyễn Trung Hà
  • Trần Duy Anh
  • Nguyễn Sơn Nam

Tóm tắt

Lựa chọn thuốc đóng vai trò quan trọng để bệnh nhân được tiếp cận với thuốc có chất lượng tốt, hiệu quả điều trị cao và tiết kiệm chi phí. Tại các bệnh viện, Hội đồng thuốc và Điều trị có nhiệm vụ tư vấn cho giám đốc lựa chọn thuốc sử dụng tại bệnh viện. Các nghiên cứu tổng quát về tình hình sử dụng thuốc như phân tích ABC, phân tích VEN sẽ giúp ích cho hội đồng thuốc và điều trị cũng như các nhà quản lý xác định các vấn đề về sử dụng thuốc làm nền tảng cho các hoạt động can thiệp tiếp theo. Đề tài: "Đánh giá tác động can thiệp lựa chọn sử dụng thuốc tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thông qua phân tích ABC, VEN" với mục tiêu: 1. Phân tích sử dụng thuốc tại Bệnh viện theo phân loại ABC, VEN; 2. So sánh lựa chọn sử dụng thuốc trước và sau can thiệp.

Đối tượng nghiên cứu: Các báo cáo sử dụng thuốc tại Khoa Dược - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm 2010, 2011. Thành viên Hội đồng thuốc và điều trị; lãnh đạo Khoa Dược; các dược sĩ liên quan đến quá trình duyệt, cấp phát, thanh quyết toán, giám sát sử dụng thuốc.

Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng phương pháp mô tả hồi cứu kết hợp với nghiên cứu can thiệp không đối chứng. Sử dụng phân tích ABC, VEN để phân tích thực trạng sử dụng thuốc năm 2010 và kết quả sau can thiệp năm 2011 theo các bước như sau:

Bước 1: Căn cứ vào danh mục thuốc thiết yếu, danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh của Bộ Y tế trên cơ sở tham khảo ý kiến của các chuyên gia từng chuyên ngành xây dựng dự thảo danh mục thuốc theo phân loại V, E, N.

Bước 2: Thảo luận thống nhất danh mục V, E, N.

Bước 3: Trên cơ sở phân loại tiến hành phân tích A, B, C phối hợp với phân tích V, E, N và phân tích ma trận ABC/VEN các thuốc sử dụng tại Bệnh viện.

Bước 4: Can thiệp lựa chọn sử dụng thuốc.

Bước 5: Đánh giá hiệu quả sau can thiệp bằng phân tích ABC, VEN.

Kết quả

Số lượng các hoạt chất được sử dụng thay đổi không nhiều trước và sau can thiệp, tuy nhiên, cơ cấu cả về chủng loại và chi phí giữa các nhóm phân loại A, B, C, V, E, N đều có sự chuyển đổi lẫn nhau theo hướng kiểm soát các thuốc sử dụng nhiều kinh phí, thuốc không thiết yếu, ưu tiên sử dụng thuốc thiết yếu và thuộc nhóm kinh phí trung bình (nhóm B). Trong đó nhóm B có nhiều sự thay đổi nhất với 40,70% theo chủng loại các thuốc thuộc nhóm C, nhưng thuốc thiết yếu trước can thiệp chuyển sang, tương ứng với tỷ lệ kinh phí là 25,16%. Ngược lại có 3,15% theo chủng loại thuốc trước can thiệp là nhóm B và không thiết yếu được hạn chế sử dụng và chuyển thành nhóm C sau can thiệp với tỷ lệ chi phí chiếm 30,83% chi phí của nhóm này. Có 20 hoạt chất nhóm N bị loại sau can thiệp trong đó NC là 12 hoạt chất.

Sau can thiệp, nhóm thuốc tối cần, thiết yếu được ưu tiên sử dụng, nhóm thuốc sử dụng ít kinh phí, không thiết yếu được hạn chế sử dụng, giá trị sử dụng nhóm B tăng từ 19,71% lên 34,77%, nhóm E tăng từ 68,60% lên 73,41%. Nhóm thuốc sử dụng nhiều kinh phí đã được kiểm soát, giảm từ 70,09% xuống còn 60,15%. Nhóm thuốc sử dụng ít kinh phí giảm từ 10,19% xuống còn 5,07% và nhóm N giảm từ 10,27% xuống 6,13%.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-01-06
Chuyên mục
BÀI BÁO