Nghiên cứu việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi tại Khoa Nội-Bệnh viện Trung ương Huế từ 1/2009 đến 8/2010

  • Nguyễn Kỳ Nhật
  • Hoàng Thị Kim Huyền

Tóm tắt

Trong những năm gần đây, cùng với sự ô nhiễm môi trường, sự thay đổi về mô hình vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt có sự gia tăng các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh làm cho việc điều trị viêm phổi gặp nhiều khó khăn. Đánh giá sử dụng kháng sinh trong điều trị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, giảm giá thành và hạn chế tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh. Tác giả đã nghiên cứu việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi  tại Khoa Nội - Bệnh viện Trung ương Huế từ 1/2009 đến 8/2010.

              Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu.

              Cỡ mẫu và cách chọn mẫu: Trong thời gian từ 1/2009 đến 8/2010, chọn được 205 bệnh án theo đúng tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ. Phân tích việc chỉ định kháng sinh khi chưa có kết quả kháng sinh đồ (điều trị kinh nghiệm): các kháng sinh được kê phải phù hợp với hình ảnh vi khuẩn hay gặp và độ kháng kháng sinh của chúng. Phân tích việc chỉ định kháng sinh khi đã có kết quả kháng sinh đồ: kháng sinh được chỉ định phải phù hợp với độ nhạy cảm của vi khuẩn phân lập.

Kết quả: Tỷ lệ bệnh nhân xét nghiệm vi khuẩn dương tính là 22,9%. Vi khuẩn Gram âm là loại vi khuẩn gây bệnh viêm phổi chiếm ưu thế trong mẫu nghiên cứu tại Khoa Nội-Bệnh viện Trung ương Huế (82,1%). Các vi khuẩn hay gặp là: Klebsiella pneumoniae (25,4%), Enterobater cloacae (11,9%), H. influenzae (10,2%),  Pseudomonas aeruginosa (8,9%). Tỷ lệ bệnh nhân khởi đầu dùng phác đồ đơn độc là 24,9%; phác đồ phối hợp là 75,1%. Phác đồ phối hợp 2 kháng sinh là chủ yếu (68,8%). Các phác đồ điển hình là: β-lactam+aminosid hoặc β-lactam+fluoroquinolon. Có 47/205 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm vi khuẩn dương tính, chiếm tỷ lệ rất thấp: có thể do bệnh nhân đã sử dụng kháng sinh trước khi vào viện nên kết quả thường âm tính và một số ít do bác sĩ không chỉ định. Các kháng sinh thường dùng như cefuroxim, ceftriaxon, amoxicilin/clavulanic, gentamicin bị các vi khuẩn hay gặp ở khoa Nội đề kháng cao, cần chỉ định thận trọng khi điều trị theo kinh nghiệm. Các kháng sinh ceftazidim, cefepim, imipenem, amikacin, netilmicin, bị các vi khuẩn hay gặp ở Khoa Nội đề kháng thấp, có thể xem xét chỉ định cho những trường hợp bệnh có tiên lượng nặng. Phần lớn các kháng sinh được sử dụng điều trị viêm phổi tại Khoa Nội phù hợp với hình ảnh vi khuẩn hay gặp và mức độ kháng kháng sinh của chúng.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-01-09
Chuyên mục
BÀI BÁO