Nghiên cứu sự thay đổi pH, áp lực thẩm thấu và sức bền hồng cầu của khối hồng cầu bảo quản bằng dung dịch “AS-T” và Terumo

  • Trần Nhân Thắng

Tóm tắt

Nghiên cứu sản xuất dung dịch bảo quản khối hồng cầu đang là nhu cầu bức thiết của ngành truyền máu Việt Nam. Dung dịch bảo quản khối hống cầu mang tên "AS-T" đã được sản xuất ở qui mô phòng thí nghiệm. Nhằm góp phần đánh giá khả năng bảo quản hồng cầu của dung dịch "AS-T" để sớm đưa dung dịch này vào thử nghiệm lâm sàng và sử dụng, nghiên cứu: Khảo sát sự thay đổi về pH, áp lực thẩm thấu và sức bền hồng cầu của khối hồng cầu bảo quản đến 42 ngày bằng dung dịch "AS-T" và Terumo đã được thực hiện.

Phương pháp nghiên cứu: Thực nghiệm được tiến hành trên máu của 10 người tình nguyện khác nhau, có cùng nhóm máu B (theo phân loại ABO). Máu toàn phần  của mỗi người (350 ml), chống đông bằng dung dịch CPD. Khối hồng cầu được sản xuất theo quy trình và bảo quản bằng dung dịch "AS-T" (Additive system-Thang), sản xuất tại Bệnh viện Bạch Mai, kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế và dung dịch Terumo (Nhật Bản). Nghiên cứu tại 7 thời điểm: khởi đầu (0), 7, 14, 21, 28, 35 và 42 ngày về các chỉ số pH, ALTT và sức bền hồng cầu. Đánh giá khả năng bảo quản khối hồng cầu của dung dịch "AS-T".

Kết quả: Giá trị pH của khối hồng cầu giảm dần trong quá trình bảo quản; từ ngày 14 đến cuối quá trình bảo quản, dung dịch "AS-T" luôn duy trì được pH của khối hồng cầu ở mức cao hơn có ý nghĩa thống kê so với dung dịch Terumo (p<0,01). Áp lực thẩm thấu ở mức < 340 mosmol/kg. Chỉ số sức bền tối thiểu và sức bền tối đa của hồng cầu đều giảm dần theo thời gian bảo quản; tại thời điểm ngày thứ 42, dung dịch "AS-T" duy trì được các chỉ số này giảm chậm hơn có ý nghĩa thống kê so với dung dịch Terumo (p<0,05).

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-01-09
Chuyên mục
BÀI BÁO