Nghiên cứu tác dụng giảm đau và một số chỉ số huyết học của cao lỏng nhị chỉ thang thực nghiệm

  • Nguyễn Bội Hương
  • Phạm Thị Vân Anh

Tóm tắt

Cao lỏng nhị chỉ thang có nguồn gốc từ bài thuốc cổ phương gia giảm được Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương ứng dụng vào điều trị trên lâm sàng cho các bệnh nhân ung thư trực tràng chảy máu và bước đầu có tác dụng tốt. Nghiên cứu tác dụng chống viêm của cao lỏng nhị chỉ thang cho thấy với liều tương đương lâm sàng và gấp 2 lần liều dùng trên lâm sàng, cao lỏng nhị chỉ thang thể hiện tác dụng chống viêm cấp rõ rệt trên chuột cống trắng. Để tiếp tục tìm hiểu cơ chế tác dụng của bài thuốc, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu sau: Nghiên cứu tác dụng giảm đau và một số chỉ số huyết học của cao lỏng nhị chỉ thang trên chuột nhắt trắng thực nghiệm.

           Nguyên liệu: Nhị chỉ thang gồm 17 vị thuốc: Đẳng sâm, hoàng kỳ, đương qui, bạch truật, mộc hương, long nhãn, táo nhân sao đen, cam thảo, kim ngân hoa, bạch hoa xà thiệt thảo, hà thủ ô, ô dược, cỏ mực sao, trắc bách diệp, hòe hoa, bạch mao căn, hoàng đằng.

            Động vật thực nghiệm: Chuột nhắt trắng chủng Swiss, cả hai giống, khoẻ mạnh, trọng l­ượng 18-22 g do Viện Vệ sinh Dịch tễ TW cung cấp.

Phương pháp nghiên cứu: Chuột nhắt trắng được chia ngẫu nhiên thành các lô chia làm lô chứng và cho uống thuốc. Tiến hành giảm đau bằng phương pháp Koster - quặn đau acid acetic; sử dụng phương pháp mâm nóng và nghiên cứu tác dụng trên các chỉ số huyết học.

Các số liệu nghiên cứu đư­ợc xử lý thống kê theo phư­ơng pháp t-test Student và test "trư­ớc - sau"(Avant - Après). 

Kết luận:

+ Cao lỏng nhị chỉ thang liều 46,08 g/kg và 92,16 g/kg có tác dụng giảm đau tại chỗ, không có tác dụng giảm đau theo cơ chế trung ương.

+ Cao lỏng Nhị chỉ thang liều 46,08 g/kg và 92,16 g/kg có tác dụng làm giảm thời gian chảy máu nhưng không ảnh hưởng đến thời gian đông máu và số lượng tiểu cầu trong máu ngoại vi.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-01-13
Chuyên mục
BÀI BÁO