Xây dựng quy trình xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm lân hữu cơ thường sử dụng trên rau bằng phương pháp sắc ký khí với đầu dò ion hóa ngọn lửa phosphor - nitrogen

  • Trương Quốc Kỳ
  • Nguyễn Văn Dũng
  • Nguyễn Văn Đức Tiến
  • Nguyễn Đức Tuấn

Tóm tắt

Mỗi ngày có khoảng 1200 tấn rau các loại nhập vào TP Hồ chí Minh, trong đó có khoảng 3% lượng rau có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV). TBVTV nhóm lân hữu cơ thường được sử dụng. Phương pháp phát hiện nhóm TBVTV này đang được sử dụng tại các chi cục BVTV các tỉnh phía Nam hiện nay là phương pháp (PP) TEST nhanh, dựa trên khả năng ức chế enzym của các lân hữu cơ chỉ có giá trị định tính. TBVTV nhóm lân hữu cơ có tính chất hóa hơi ở nhiệt độ cao mà không bị phân hủy nên các PP sắc ký khí chiếm ưu thế. Đề tài này được thực hiện nhằm tìm ra một quy trình chung xác định dư lượng TBVTV nhóm lân hữu cơ bằng kỹ thuật sắc ký khí với đầu dò ion hóa ngọn lửa phosphor-nitrogen (NPD) để có thể áp dụng trên thực tế.

Phương pháp nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu là rau muống thủy canh sạch (Chi cục BVTV TP Hồ Chí Minh cung cấp), TBVTV thường được sử dụng,... PP chuẩn nội được áp dụng để đảm bảo độ đúng và độ chính xác của quy trình phân tích. Tiến hành theo các bước sau:

- Xác định điều kiện phân tích đồng thời các thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ.

- Xây dựng quy trình chiết các TBVTV nhóm lân hữu cơ.

- Thẩm định quy trình.

- Ứng dụng trên các mẫu rau ngoài đồng và so sánh kết quả với các phòng thí nghiệm đạt ISO/IEC 17025 tại TP Hồ Chí Minh.

Kết quả:

Nhóm nghiên cứu đã xác định được điều kiện sắc ký thích hợp  dựa vào các tài liệu tham khảo và qua quá trình thực nghiệm; Đã xây dựng được quy trình chiết các TBVTV nhóm lân hữu cơ sử dụng dung môi acetonitril và rửa giải với hệ dung môi acetonitril-toluen (3:1) đạt yêu cầu phân tích dư lượng (Hiệu suất thu hồi ổn định với RSD không quá 11%); Quy trình được thẩm định đạt tính phù hợp của hệ thống, tỷ lệ phục hồi các chất nằm trong khoảng cho phép từ 70-110% và RSD nhỏ hơn mức cho phép 18%; Dư lượng các thuốc trong mẫu rau ngoài đồng đều cao hơn mức cho phép sau khi phun 2 ngày và thấp hơn mức cho phép sau thời gian cách ly theo quy định của từng thuốc. So sánh với các phòng thí nghiệm, mức chênh lệch là 20-28 % và được lí giải là có thể do thời gian phân tích mẫu khác nhau, trong khi TBVTV nhóm lân hữu cơ phân hủy nhanh, hoặc do hàm lượng phân tích nhỏ.

Như vậy, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được quy trình định lượng đồng thời ở mức dư lượng cho phép của một số lân hữu cơ thường dùng trên rau bằng PP sắc ký khí với đầu dò NPD, có thể áp dụng phục vụ cho việc giám sát dư lượng lân hữu cơ trên rau ngoài thị trường
điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-01-23
Chuyên mục
BÀI BÁO