Phân lập và xác định cấu trúc của adynerin, acid betulinic và betulin từ lá trúc đào

  • Lê Anh Hào
  • Nguyễn Tiến Vững

Tóm tắt

Cây trúc đào (Nerium oleander L.) thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae), là loại cây nhỏ sống lâu năm, hoa màu hồng, thường được trồng làm cảnh. Lá trúc đào chứa một số glycosid tim có độc tính rất mạnh. Nghiên cứu về thành phần hoá học và tạo chất đối chiếu phục vụ giám định hoá pháp đã phân lập và xác định cấu trúc của oleandrin (C32H48O9), neriasid (C30H46O8) và acid oleanolic (C30H48O3) từ lá trúc đào ở Việt Nam.  Bài báo này thông báo kết quả phân lập và xác định cấu trúc của 3 hợp chất là adynerin (1), acid betulinic (2) và betulin (3) từ lá cây trúc đào ở Việt Nam.

Nguyên liệu: Mẫu lá cây trúc đào được thu hái tại Hà Nội vào tháng 6/2010. Mẫu cây trên được GS. Phan Kế Lộc xác định là  Nerium oleander L., thuộc họ Trúc đào - Apocynaceae.

Phương pháp nghiên cứu: Phần lá của cây trúc đào sau khi thu hái về được phơi khô trong bóng râm, xay nhỏ (3,5 kg) và ngâm chiết với methanol (10 L x 3 lần) bằng thiết bị siêu âm Ultrasonic 2010 ở nhiệt độ 40-50oC (3 x 60 phút). Dịch chiết sau đó được cô đặc bằng máy cất quay với áp suất giảm thu được 300 g cặn chiết methanol. Cặn chiết này được hòa với nước rồi chiết phân đoạn lần lượt với n-hexan, cloroform và ethyl acetat thu được các cặn chiết n-hexan (60 g), cloroform (100 g) và ethyl acetat (50 g) tương ứng. Tiến hành sắc ký cột silica gel đối với cặn chiết cloroform rửa giải bằng hệ dung môi gradient n-hexan-aceton (100:1, v/v →100% aceton) thu được 6 phân đoạn ký hiệu là C1→ C6. Từ phân đoạn C4 tiến hành sắc ký cột silica gel (n-hexan-aceton, 3:1) thu được hợp chất 2 (6 mg) và 3 (7 mg).

Phần căn chiết EtOAc được tiến hành sắc ký cột YMC RP18 với hệ dung môi rửa giải MeOH-nước [1:3] thu được 3 phân đoạn ký hiệu là E1 ® E3. Tiến hành phân lập phân đoạn E3 (10 g) trên sắc ký cột silicagel, hệ dung môi CHCl3-MeOH-nước [4:1:0,1] thu được hợp chất 1 (6 mg).

Kết quả:

Từ lá trúc đào đã phân lập được 3 chất. Cấu trúc của 3 chất được xác định là adynerin, acid betulinic và betulin dựa trên cơ sở phân tích các phổ 1H NMR, 13C NMR, HMBC, COSY, MS, trên cơ sở so sánh với các dữ liệu đã công bố.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-01-25
Chuyên mục
BÀI BÁO