Đánh giá tác dụng bảo vệ cơ quan miễn dịch của dịch chiết tỏi đen Lý Sơn trên chuột bị chiếu xạ

  • Vũ Bình Dương
  • Hồ Anh Sơn
  • Vũ Xuân Nghĩa
  • Trịnh Nam Trung

Tóm tắt

Các nhà khoa học tại nhiều quốc gia đã nghiên cứu và xây dựng quy trình lên men tự nhiên tỏi tươi ở nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để tạo ra tỏi đen. Sản phẩm này có màu đen, không hoặc hầu như không còn mùi khó chịu, có vị ngọt giống như các loại trái cây, có thể bảo quản được trong thời gian dài. Tỏi đen sau khi lên men, các hợp chất chứa lưu huỳnh tăng mạnh như: S-allyl-L-cystein, alliin, isoalliin, methiin, cycloalliin, làm cải thiện một số hoạt tính sinh học của tỏi đen như khả năng chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, ức chế tế bào ung thư so với tỏi thường.

Học viện Quân y đã nghiên cứu lên men thành công tạo tỏi đen từ nguồn tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi). Để góp phần đưa sản phẩm tỏi đen Lý Sơn phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các nhà nghiên cứu tiến hành đánh giá tác dụng bảo vệ cơ quan miễn dịch trước ảnh hưởng của chiếu xạ trên chuột thực nghiệm của dịch chiết tỏi đen Lý Sơn.

Nghiên cứu được tiến hành trên chuột nhắt trắng do Ban Động vật - Học viện Quân y cung cấp với 4 nhóm, mỗi nhóm 10 chuột gồm: nhóm chứng sinh học, nhóm chứng chiếu xạ, nhóm tỏi thường và nhóm tỏi đen. Liều dùng 0,1 ml dịch chiết/10 g thể trọng. Sử dụng nguồn chiếu Cobalt 60 tại Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện 103 với liều chiếu 7 Gy. Sau chiếu xạ 1 tuần, chuột bị giết bằng phương pháp kéo dãn đốt sống cổ. Xác định: Số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và nồng độ hemoglobin: được thực hiện trên máy đếm tự động Sysmex - K4500 (Nhật Bản) tại labor cận lâm sàng- Viện Bỏng Quốc gia; Trọng lượng các cơ quan lách, hạch, tuyến ức: phẫu tích, cân bằng cân điện tử và đánh giá khác biệt trọng lượng các cơ quan giữa các nhóm.

Kết quả: Đã đánh giá tác dụng bảo vệ cơ quan miễn dịch của dịch chiết tỏi đen Lý Sơn trên chuột chiếu xạ. Kết quả cho thấy: một tuần sau chiếu xạ liều duy nhất 7 Gy, chuột tại nhóm uống dự phòng tỏi đen có số lượng tế bào máu giảm ít hơn so với nhóm chứng chiếu xạ và chuột uống tỏi thường (p < 0,05). Trọng lượng hạch ngoại vi, lách, tuyến ức của nhóm chuột uống tỏi đen giảm ít hơn so với nhóm chứng chiếu xạ và chuột uống tỏi thường (p < 0,05). Như vậy, trên chuột sau khi uống dịch chiết tỏi đen Lý Sơn, các cơ quan có tính sinh miễn dịch như hạch, lách, tuyến ức, tủy xương đã được bảo vệ trước tác động của tia xạ.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-09-22
Chuyên mục
BÀI BÁO