Xây dựng mô hình sàng lọc chất kháng viêm thông qua thụ thể toll like 4 (TLR4) trên màng tế bào macrophage chuột

  • Nguyễn Thị Mai Phương
  • Trịnh Tất Cường
  • Trần Thị Nhung
  • Dương Thị Nụ
  • Đặng Ngọc Quang

Tóm tắt

Việt Nam là nước có nguồn dược liệu rất phong phú. Đây chính là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các nghiên cứu sàng lọc nhằm tìm ra những chất có hoạt tính sinh dược học quý, bao gồm cả các chất kháng viêm mới có hiệu quả cao mà không gây ra các phản ứng phụ. Vấn đề mấu chốt của các nghiên cứu này là phải xây dựng được một mô hình sàng lọc nhanh và hiệu quả. So với các mô hình nghiên cứu in vivo, mô hình sàng lọc in vitro có nhiều ưu thế về thời gian, độ phức tạp và hiệu quả kinh tế. Do đó, việc xây dựng và ứng dụng mô hình này  là rất cần thiết. Bài báo này trình bày kết quả sàng lọc các chất kháng viêm mới từ nguồn dược liệu Việt Nam sử dụng mô hình sàng lọc in vitro thông qua thụ thể TLR4. Đây là mô hình sàng lọc chất kháng viêm hiện đại, có nhiều ưu điểm và có thể triển khai tốt ở Việt Nam. 

Ở mô hình sàng lọc chất kháng viêm sử dụng thụ thể TLR4, tế bào macrophage sẽ được xử lý với dịch chiết thực vật và sau đó được gây cảm ứng viêm bằng LPS (phối tử đặc hiệu của TLR4). Việc đo mức độ ảnh hưởng của các cytokin được giải phóng ra là  IL-6, TNF-α và IL-10 sẽ cho phép kết luận dịch chiết thực vật có chứa chất kháng viêm tiềm năng và chất này có khả năng tác dụng kháng viêm theo con đường thụ thể TLR4.

Kết quả nghiên cứu

- Mô hình sàng lọc chất kháng viêm tiềm năng thông qua thụ thể TLR4 đã được xây dựng thành công gồm các bước: i) tách tế bào macrophage từ xương đùi chuột; ii) gây cảm ứng viêm ở tế bào macrophage với LPS ở nồng độ 100 ng/ml; iii) đo hàm lượng cytokine của macrophage giải phóng ra khi có mặt của các dịch chiết thực vật.

- Trong 12 mẫu dịch chiết thực vật được sàng lọc gồm dịch chiết lá sim, lá sói rừng, lá ngải cứu, lá xuân hoa, lá đinh lăng, vỏ quả măng cụt, lá sắn thuyền, rễ bách bộ, lá chè vằng, lá lược vàng, lá bỏng nước, lá thanh hao thì chỉ có dịch chiết chiết của lá sim, ngải cứu, đinh lăng và rễ bách bộ có khả năng làm giảm lượng các cytokin tiền viêm là TNF-α và IL-6 trong tế bào macrophage được cảm ứng bởi LPS trong 18 giờ thông qua thụ thể TLR4. Dịch chiết từ rễ cây bách bộ (Stemona tuberosa Lour.) có khả năng ức chế mạnh hơn cả chất kháng viêm đối chứng asprin.

- Các dịch chiết từ lá sim, ngải cứu, đinh lăng và bách bộ không ức chế sự sinh cytokin kháng viêm IL-10, chứng tỏ chúng là những dịch chiết kháng viêm tiềm năng, cần phải được tiếp tục nghiên cứu.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-09-30
Chuyên mục
BÀI BÁO