Nghiên cứu tác dụng điều chỉnh rối loạn lipid máu của BBT trên chuột nhắt trắng thực nghiệm

  • Vũ Thị Thuận
  • Trương Việt Bình
  • Nguyễn Thị Thanh Hà
  • Nguyễn Trọng Thông
  • Phạm Thị Vân Anh
  • Nguyễn Phương Thanh

Tóm tắt

Hội chứng rối loạn lipid máu (RLLPM) đ­ược coi là một trong những nguyên nhân chính của bệnh lý tim mạch. Các thuốc của y học hiện đại điều trị có hiệu quả tốt, nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ và còn nhiều chống chỉ định, giá thành cao.  Xu hướng hiện nay để điều trị hội chứng RLLPM là sử dụng cây con thuốc có nguồn gốc tự nhiên, vừa mang lại hiệu quả điều trị vừa hạn chế được các tác dụng không mong muốn cho người bệnh. Bán hạ bạch truật thiên ma thang (gọi tắt là BBT) là bài thuốc cổ phương  đã được sử dụng để điều trị chứng đàm thấp có kết quả tốt tại một số bệnh viện, song chư­a có những nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học trên thực nghiệm. Đề tài này nghiên cứu với mục tiêu: Đánh giá tác dụng điều chỉnh RLLPM của bài thuốc BBT trên mô hình gây tăng cholesterol máu nội sinh.

 Phương pháp nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu: Chế phẩm thuốc thử BBT dạng cao lỏng sản xuất tại Khoa Dược, Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam (bài thuốc gồm 8 vị). Chuột nhắt trắng chủng Swiss, khoẻ mạnh, cả hai giống, trọng lượng trung bình 20 ± 2 g do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cung cấp.

Phương pháp nghiên cứu: Sử dụng và điều chỉnh mô hình gây tăng lipid máu nội sinh bằng P-407 theo Millar và cộng sự. Chuột được uống nước cất và thuốc thử 5 ngày liên tục: 4 ngày trước khi tiêm màng bụng dung dịch P-407 5% liều 250 mg/kg và 1 ngày sau tiêm. Ngày cuối cùng sau 24 giờ kể từ khi được tiêm P-407, tất cả các chuột bị nhịn đói qua đêm, lấy máu động mạch cảnh làm xét nghiệm định lượng TG, TC, LDL-C, HDL-C.

Số liệu được nhập và xử lý bằng phương pháp và thuật toán thống kê y sinh học trên phần mềm SPSS 16.

Kết quả: Các thành phần của bài thuốc BBT cũng đã được nhiều nghiên cứu đánh giá tác dụng trên các chỉ số lipid máu và cả bệnh xơ vữa động mạch. Trong nghiên cứu này, mức độ giảm nồng độ cholesterol toàn phần ở các lô uống BBT liều 50 g/kg và atorvastatin 100 mg/kg là có ý nghĩa thống kê so với lô mô hình. BBT liều 50 g/kg cũng làm giảm nồng độ LDL-C nhưng sự khác biệt này chưa có ý nghĩa thống kê. Bài thuốc BBT có bán hạ, đại táo, trần bì, bạch linh là các vị đều có chứa phytosterols trong thành phần, nên có thể BBT làm giảm nồng độ cholesterol máu thông qua cơ chế này. Ngoài ra, cam thảo, đại táo, trần bì trong bài thuốc BBT cũng có chứa flavonoid, một chất chống oxy hóa, có khả năng làm giảm LDL-C bị oxy hóa nên góp phần ức chế quá hình thành tại chỗ mảng xơ vữa.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-10-03
Chuyên mục
BÀI BÁO