Nghiên cứu tác dụng an thần và chống trầm cảm trên động vật thực nghiệm của Stephania sinica Diels và Stephania dielsiana Y. C. Wu

  • Nguyễn Hoàng Anh
  • Lê Thị Giang
  • Nguyễn Thu Hằng
  • Nguyễn Quốc Huy

Tóm tắt

Tại Việt Nam, các loài của chi Stephania Lour. được nghiên cứu khá đầy đủ về hóa học và tác dụng sinh học hướng an thần trên cơ sở chiết tách L-tetrahydropalmatin và kinh nghiệm sử dụng của nhân dân. Tác giả tập trung vào đánh giá tác dụng dược lý thần kinh và tâm thần của hai loài là Stephania sinica Diels (bình vôi tán ngắn) và Stephania dielsiana Y. C. Wu (củ dòm). Có sự khác biệt về thành phần alcaloid giữa các loài Stephania, trong khi tỷ lệ L-tetrahydropalmatin ở S. sinica là khoảng 2,43% thì ở S. dielsiana chỉ là 0,4%. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng an thần (tăng cường thời gian ngủ do thiopental) và tác dụng chống trầm cảm (mô hình chuột bơi cưỡng bức) của 2 loài Stephania ở mức liều có tác dụng giải lo thực nghiệm.

Phương pháp nghiên cứu:

Củ của 2 loài bình vôi Stephania dielsiana Y. C. Wu và Stephania sinica Diels thu hái tương ứng tại Ba Vì - Hà Nội và vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Dịch chiết toàn phần trong nước thu được bằng phương pháp sắc với nước, làm bay hơi bớt dung môi đến dạng cao lỏng 1:1. Chiết xuất alcaloid toàn phần theo phương pháp chiết xuất bằng dung môi hữu cơ trong môi trường kiềm, bay hơi dung môi đến cắn. Thiết kế 4 đợt thí nghiệm: đánh giá tác dụng an thần (tăng cường thời gian ngủ do thiopental) trên chuột bình thường của dịch chiết toàn phần với dung môi là nước của 2 loài Stephania ở các mức liều khác nhau có đối chiếu với tác dụng của diazepam (đợt 1). Tiếp theo, tác dụng an thần của dịch chiết toàn phần được đánh giá trên chuột chịu stress do cô lập (đợt 2). Sau đó, đánh giá tác dụng an thần của alcaloid toàn phần từ 2 loài Stephania có đối chiếu với tác dụng của tetrahydropalmatin trên chuột bình thường (đợt 3). Cuối cùng, tác dụng chống trầm cảm của dịch chiết nước toàn phần được đánh giá trên mô hình chuột bơi cưỡng bức (đợt 4).

Kết quả: Dịch chiết toàn phần của S. sinicaS. dielsiana thể hiện tác dụng an thần, chủ yếu do thành phần alcaloid, trên mô hình kéo dài thời gian ngủ do thiopental ở chuột bình thường nhưng không có tác dụng trên chuột chịu stress do cô lập. Chỉ có dịch chiết toàn phần của S. sinica thể hiện tác dụng chống trầm cảm trên mô hình chuột bơi cưỡng bức ở mức liều có tác dụng giải lo âu và an thần. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để tiếp tục xác định các alcaloid có hoạt tính, cơ chế và vai trò của chúng trong tác dụng an thần và chống trầm cảm của 2 loài Stephania.

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-10-03
Chuyên mục
BÀI BÁO