Nghiên cứu độc tính cấp và độc tính bán trường diễn của bài thuốc Khang bảo tử.

  • Đoàn Minh Thụy
  • Vũ Mạnh Hùng
  • Nguyễn Thị Bích Thu

Tóm tắt

Khang bảo tử (KBT) bào chế từ các vị thuốc đã được dùng để chữa chứng thận dương hư  cho người từ lâu đời, có trong các y văn cổ, nhưng chưa được chứng minh khoa học về độ an toàn. Để có cơ sở đưa bài thuốc  áp dụng rộng rãi trong lâm sàng điều trị vô sinh nam, làm tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, tác giả tiến hành thử độc tính cấp và bán trường diễn của bài thuốc. Bài báo này thông báo kết quả độc tính cấp và độc tính bán trường diễn  của  KBT trên thực nghiệm.

Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu độc tính cấp: Chuột nhắt trắng (CNT) Musmusculus chủng Swiss, thuần chủng, cả hai giống đực và cái khoẻ mạnh, 6 tuần tuổi, trọng lượng 20,0 ± 2,0 g. Xác định LD50 trên các nhóm CNT theo đường uống, chuột nhắt trắng nhịn đói 12 giờ, được chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm 10 con. Chuột được cho uống thuốc KBT với các liều khác nhau tăng dần từ liều cao nhất  không gây chết đến liều thấp nhất gây chết 100% chuột.

Nghiên cứu độc tính bán trường diễn : Thỏ chủng Orytolagus cuniculus, cả hai giống đực và cái khoẻ mạnh, trọng lượng 1,8-2,1 kg. Thỏ được chia ngẫu nhiên thành 03 lô khác nhau, mỗi lô 12 con :  Lô chứng uống nước lọc; lô  uống KBT liều I:  1,0 g/kg TLCT;  lô uống KBT liều II: 3,0 g/kg TLCT (gấp 3 lần liều I). Các thỏ uống thuốc pha loãng thành cùng một thể tích là 5 mL/kg TLCT thỏ, liên tục trong 42 ngày. Tiến hành quan sát tất cả các thỏ theo các chỉ tiêu sau: - Sinh lý - dược lý : theo dõi tình trạng chung, hoạt động, ăn uống, trọng lượng cơ thể, điện tim; - Huyết học: hồng cầu, hemoglobin, hematocrit, bạch cầu, tiểu cầu; - Sinh hóa: AST, ALT, ure, creatinin; - Mô bệnh học:  vào ngày thứ 42 thỏ được phẫu thuật, quan sát hình ảnh đại thể gan, lách, thận. Sau đó làm sinh thiết các phủ tạng để nghiên cứu hình ảnh mô bệnh học của tất cả các thỏ thực nghiệm.

Kết quả

Từ các kết quả nghiên cứu cho phép kết luận: Chưa xác định được độc tính cấp của KBT (LD50) dùng theo đường uống trên chuột nhắt trắng. Với mức liều  KBT cao nhất có thể đưa vào dạ dày, không gây chết chuột  thực nghiệm. Trong thử nghiệm độc tính

bán trường diễn, khi cho thỏ uống KBT 2 mức liều 1,0 và 3,0 g/kg TLCT liên tục  trong  42 ngày:  Không ảnh hưởng đến sự phát triển trọng lượng cơ thể thỏ; không ảnh hưởng đến điện tim thỏ; không độc với cơ quan tạo máu của thỏ (số lượng hồng cầu, hemoglobin, tiểu cầu, bạch cầu); không ảnh hưởng đến chức năng thận (hàm lượng creatinin, urê), chức năng gan

(hoạt độ enzym AST, ALT) của thỏ. Về hình thái mô bệnh: KBT với 2 mức liều đã sử dụng không gây tổn thương mô gan, lách và thận. Như vậy, KBT an toàn trên động vật thực nghiệm ở 2 mức liều đã khảo sát.                                

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-10-03
Chuyên mục
BÀI BÁO