Nghiên cứu chiết xuất acid shikimic từ đại hồi bằng nước kết hợp chưng cất tinh dầu. Phần 1: Giai đoạn chiết xuất

  • Phùng Thị Mỹ Hạnh
  • Nguyễn văn Hân
  • Lưu Thị Quyên

Tóm tắt

Cây hồi (còn gọi là cây đại hồi, hồi hương...) là một loài cây được dùng để chữa đau bụng, sôi bụng, nôn mửa, ỉa chảy, đau nhức cơ-khớp do lạnh. Đại hồi còn được biết đến là nguồn nguyên liệu sản xuất acid shikimic, thành phần quan trọng trong bán tổng hợp sản xuất thuốc chống virus điều trị cúm gia cầm typ A và typ B oseltamivir (Tamiflu). Trong thực tế ở Việt Nam, đại hồi chỉ dùng để cất lấy tinh dầu mà chưa tận thu được acid shikimic. Do vậy giá trị của đại hồi bị giảm đáng kể. Bài báo này công bố kết quả giai đoạn chiết xuất - giai đoạn đầu của đề tài nghiên cứu, nhằm mục đích  tìm ra phương pháp đơn giản, hiệu quả, đồng thời tận dụng dư phẩm của quá trình sản xuất tinh dầu hồi ở nước ta để sản xuất ra nguồn nguyên liệu acid shikimic, từ đó giảm giá thành nguyên liệu này do Việt Nam sản xuất.

Phương pháp nghiên cứu

Cất lấy tinh dầu đại hồi bằng phương pháp cất kéo hơi nước, hỗn hợp còn lại đem xử lý thu acid shikimic. Phương pháp này vừa chiết xuất acid shikimic đồng thời chưng cất tinh dầu, có thể kết hợp tận dụng dư phẩm của quá trình chưng cất tinh dầu trong thực tế sản xuất ở Việt Nam. Khảo sát tốc độ chiết của phương pháp chiết nóng kết hợp cất tinh dầu trước, sau đó khảo sát tốc độ chiết của phương pháp ngâm lạnh kết hợp cất  tinh dầu sau (phương pháp B). Xác định hiệu suất chiết và cất tinh dầu. Định lượng acid shikimic trong dịch chiết bằng phương pháp HPLC. Các kết quả nghiên cứu trên là cơ sở để chúng tôi thực hiện nghiên cứu các giai đoạn sau của quy trình chiết xuất với mục tiêu chính là tìm ra quy trình tinh chế đơn giản, ổn định, kinh tế và cho hiệu suất cao.

Kết quả

Trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, đã khảo sát được 2 phương pháp chiết xuất acid shikimic và cất tinh dầu với dung môi nước: phương pháp chiết nóng cất tinh dầu trước và phương pháp ngâm lạnh cất tinh dầu sau. Các tiêu chí so sánh gồm có: tốc độ chiết, hiệu suất chiết, tính chọn lọc và thể tích tinh dầu. Phương pháp chiết nóng cất tinh dầu trước được lựa chọn với tốc độ chiết nhanh (thời gian cân bằng khoảng 3 giờ), hiệu suất chiết cao (hiệu suất sau 3 lần chiết là 98,4%), lượng tinh dầu thu được là
9,5 mL/100 g dược liệu. Phương pháp này có tính chọn lọc thấp hơn, lượng tạp nhiều hơn, nhưng vẫn chiết được lượng acid shikimic lớn hơn phương pháp ngâm lạnh. Đây là biện pháp đơn giản, kinh tế, có thể áp dụng trên thực tế nhằm tận thu nước cái và bã đại hồi sau khi cất tinh dầu để tiếp tục xử lí thu acid shikimic. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-11-28
Chuyên mục
BÀI BÁO