Bào chế và đánh giá vi cầu poly (lactid-co-glycolid) chứa prednisolon acetat bằng kỹ thuật nhũ hóa qua màng

  • Nguyễn Thạch Tùng
  • Yun-Seok Rhee

Tóm tắt

Trong các phương pháp bào chế vi cầu, phương pháp nhũ hóa qua màng SPG (shirasu porous glass) là một phương pháp mới và hiệu quả do ưu điểm kiểm soát tốt kích thước tiểu phân, tiêu thụ năng lượng ít. Để bước đầu tiếp cận với các kỹ thuật bào chế vi cầu phân giải sinh học, mục tiêu của đề tài là bào chế vi cầu kiểm soát giải phóng với hai dược chất mô hình là prednisolon (PRE) và prednisolon acetat (PRE ACE) bằng phương pháp nhũ hóa qua màng. Polymer phân giải sinh học được lựa chọn là poly (lactid-co-glycolid) (PLGA). Vi cầu PLGA sẽ được đánh giá trên ba chỉ tiêu chính là hiệu suất vi cầu hóa, kích thước tiểu phân và khả năng kiểm soát giải phóng dược chất.

 Phương pháp nghiên cứu

Tiến hành bào chế vi cầu phân giải sinh học PLGA chứa prednisolon và prednisolon acetat bằng phương pháp nhũ hóa qua màng SPG, xử lý bề mặt vi cầu. Đánh giá hiệu suất vi cầu hóa: PRE ACE được phân tích bằng phương pháp đo quang UV/Vis ở bước sóng 254 nm. Đánh giá hệ số phân bố dầu nước (logP) của PRE và PRE ACE. Phổ hồng ngoại Fourier (FT-IR) được tiến hành trên thiết bị Model IFS-66/S, Bruker Optics, Đức. Kích thước và phân bố kích thước tiểu phân của vi cầu PLGA được đánh giá trên thiết bị Mastersizer 2000.  Hình thái của vi cầu được xác định bằng kính hiển vi điện tử quét (SEM). Đánh giá tốc độ giải phóng của prednisolon acetat qua xác định nồng độ thuốc giải phóng bằng phương pháp đo quang. Vi cầu phân giải sinh học PLGA được đánh giá trên 3 tiêu chí chính: là hiệu suất vi cầu hóa của dược chất, kích thước của vi cầu, và khả năng kiểm soát giải phóng.

Kết quả

Đề tài đã tiến hành bào chế vi cầu phân giải sinh học PLGA, hiệu suất vi cầu hóa phụ thuộc mạnh mẽ vào hệ số phân bố dầu nước (logP) của dược chất và tương tác phân tử giữa dược chất và PLGA. Kỹ thuật nhũ hóa qua màng nhiều chu kỳ không chỉ hiệu quả trong cải thiện kích cỡ, độ đồng nhất của vi cầu mà còn có ưu điểm trong bào chế các hệ kém bền như vi cầu, nano chứa protein, DNA do tránh phải sử dụng thiết bị siêu âm hay đồng nhất hóa. Giải phóng bùng nổ của PRE ACE từ vi cầu PLGA có thể được hạn chế bằng phương pháp xử lý bề mặt vi cầu với một polymer mang điện dương (chitosan 1,5%). Kích thước, hiệu suất vi cầu hóa, và giải phóng ban đầu của PRE ACE từ vi cầu PLGA tương ứng là 7,83 µm, 88,28% và 20,40%. Với khả năng kiểm soát giải phóng dài ngày, vi cầu PLGA chứa PRE ACE thích hợp để bào chế hỗn dịch tiêm dưới da cho những bệnh nhân bị viêm khớp mãn tính. 

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2014-11-28
Chuyên mục
BÀI BÁO