Các tanshinon phân lập từ rễ cây đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) di thực và trồng ở Việt Nam

  • Phương Thiện Thương
  • Nguyễn Thị Kim An
  • Nguyễn Minh Khởi
  • Fumiaki Ito

Tóm tắt

Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), còn được gọi là huyết sâm, xích sâm là một loài thực vật sống lâu năm thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Đây là loài bản địa của Trung Quốc và được nhập nội vào nước ta. Trong y học cổ truyền, rễ đan sâm được sử dụng để phòng và điều trị một số chứng bệnh liên quan tới tim mạch và đột quỵ như suy tim, tim hồi hộp, đau tức ngực, thấp khớp, viêm khớp, thần kinh suy nhược, nhức đầu mất ngủ và được dùng làm thuốc bổ. Các nghiên cứu khoa học hiện đại đã chứng minh đan sâm có tác dụng ức chế sự phát triển của xơ gan, bảo vệ các mô thận khỏi thương tổn do bệnh đái đường gây ra, chống bệnh viêm và tổn thương tụy cấp tính, tác dụng bảo vệ hệ tim mạch, và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư ở người và HIV.

Gần đây, Viện Dược liệu đã di thực loài đan sâm của Trung Quốc về trồng tại một số nơi ở miền bắc Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào về thành phần hóa học và tác dụng của Đan Sâm được trồng ở Việt Nam. Trong bài báo này trình bày kết quả phân lập ba diterpenoid và tác dụng của chúng đối với một số dòng tế bào ung thư phổi.

Phương pháp nghiên cứu

            Vị thuốc (rễ) đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) được trồng và thu hoạch tại tỉnh Phú Thọ, Việt Nam. Dược liệu đan sâm được di thực từ Tứ Xuyên Trung Quốc.

            + Chiết tách và phân lập hợp chất từ rễ đan sâm đã phơi khô thu được 3 chất. Các chất  số 1, 2, và 3 được đo phổ UV, IR, ESI-MS, 1H-NMR và 13C-NMR để xác định công thức phân tử.

            + Các dòng tế bào ung thư phổi gồm PC9 và PC14 được cung cấp bởi Khoa Dược, Đại học Setsunan, Osaka, Nhật Bản.

            + Thử độc tính đối với tế bào ung thư trên mô hình in vitro được thực hiện tại Khoa Dược, Đại học Setsunan, Nhật Bản, theo phương pháp Cell Counting Kit-8 (WST8) và giá trị IC50  được tính theo phương pháp hồi quy tuyến tính Probit. 

Kết quả

Bằng kỹ thuật sắc ký, đã phân lập được ba chất từ rễ cây đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge) được di thực và trồng tại Phú Thọ, Việt Nam. Các chất được xác định là tanshinon IIA (1), tanshinon I (2), và cryptotanshinon (3) qua phân tích các tính chất lý hóa và phổ và so sánh với các dữ liệu được công bố trong các tài liệu tham khảo. Tanshinon IIA được thử độc tính trên 2 dòng tế bào ung thư phổi không phải loại nhỏ PC9 và PC14. Kết quả cho thấy có tác dụng ức chế tốt sự phát triển của tế PC9 (IC50 2,7 µg/ml) nhưng có tác dụng rất yếu đối với PC14 (IC50 >50 µg/ml).

điểm /   đánh giá
Phát hành ngày
2015-01-29
Chuyên mục
BÀI BÁO