Đánh giá quy trình giám sát điều trị qua xác định nồng độ amikacin trong huyết tương tại Bệnh viện Nhi Trung ương

  • Nguyễn Thị Kim Chi
  • Hoàng Thị Kim Huyền
  • Khu Thị Kháng Dung
  • Lê Thị Minh Hương
  • Đào Minh Tuấn
  • Nguyễn Thị Hồng Hà

Abstract

Giám sát điều trị qua nồng độ thuốc trong máu (TDM) là một yêu cầu bắt buộc khi sử dụng kháng sinh nhóm aminoglycosid ở các nước phát triển. Tuy vậy ở Việt Nam, việc áp dụng TDM tại các khoa lâm sàng vẫn còn là một điều mới mẻ. Bên cạnh đó, việc thực hiện TDM trong thực hành điều trị kháng sinh nhóm aminoglycosid ở trẻ em chưa được áp dụng ở một bệnh viện nào. Với mong muốn triển khai và đưa vào sử dụng một qui trình giám sát thuốc điều trị (TDM) aminoglycosid trên trẻ em đơn giản và dễ sử dụng nhằm mục đích đảm bảo việc điều trị an toàn là hiệu quả, đề tài nhằm đánh giá quy trình TDM xây dựng được tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đó đưa ra các khuyến cáo về việc áp dụng chế độ giám sát điều trị khi sử dụng amikacin khi điều trị cho trẻ em.

            Đối tượng nghiên cứu: Các trẻ từ mới sinh cho tới 5 tuổi được chẩn đoán nhiễm khuẩn và được điều trị bằng amikacin ở bệnh viện Nhi Trung ương.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được tiến hành trên 218 bệnh nhân đạt tiêu chuẩn. Trong thử nghiệm này, bệnh nhân được phân làm 2 lớp tuổi: lớp sơ sinh và lớp từ trên 1 tháng tuổi. Phân lớp trẻ sơ sinh gồm 113 bệnh nhân, trong đó 59 bệnh nhân được dùng liều 20 mg/kg/24h (Can thiệp_1) và 54 bệnh nhân được dùng liều 15 mg/kg/24h (Không CT_2). Phân lớp từ 1 tháng tuổi trở lên có 105 bệnh nhân, trong đó 55 bệnh nhân được dùng liều 20 mg/kg/24h (Can thiệp_1) và 50 bệnh nhân được dùng liều 15 mg/kg/24h (Không CT_2).

Thuốc nghiên cứu: Amikacin - biệt dược của hãng Sopharma (thuộc danh mục thuốc bệnh viện). Dạng đóng gói: ống 2 mL, 125 mg/mL hoặc 250 mg/mL. Cách dùng: thuốc được pha với dung dịch NaCl 0,9% và được đưa vào tĩnh mạch bằng bơm tiêm điện trong 30 phút.

Kết quả

Ở cả 2 nhóm sơ sinh và trên 1 tháng tuổi, nồng độ đỉnh của nhóm can thiệp (40,0 và 46,7 mg/ml tương ứng) cao hơn hẳn nhóm không can thiệp (31,5 và 35,5 mg/ml tương ứng) với p<05.  Trong khi tỉ lệ bệnh nhân ở đạt hiệu quả nồng độ đáy (<2,5 mg/ml) ở 2 nhóm là tương tự nhau với p > 0,05. Tất cả các trường hợp bệnh nhân nhóm can thiệp sau khi giãn khoảng cách liều lên 36 giờ đều có nồng độ đáy đạt <2,5 µg/ml.

Cần nâng mức liều điều trị lên 20 mg/kg và sử dụng giãn cách 24 giờ (ODD) để bảo đảm được tỷ lệ Cpeak/MIC >10. Điều này đặc biệt cần thiết với các chủng vi khuẩn G(-) kháng thuốc (MIC ≥ 4 mg/ml). Để bảo đảm độ an toàn khi điều trị bằng amikacin, nên sử dụng biện pháp giãn cách > 24 giờ để Ctrough <2,5 µg/ml cho tất cả các lớp tuổi trẻ em.

điểm /   đánh giá
Published
2015-01-29
Section
ARTILES